Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo nước ngoài đưa tin về sách giáo khoa điện tử ở Việt Nam

H.Đ| 08/08/2013 21:28

(HNMO) - Mới chỉ ra mắt được hơn một tháng nhưng sản phẩm sách giáo khoa điện tử (Classbook) đầu tiên ở Việt Nam đã thu hút sự quan tâm chú ý của hàng loạt các trang tin nước ngoài, trong đó có cả những trang uy tín chuyên về công nghệ và giáo dục.



Chuyên trang công nghệ Tech In Asia trước khi giới thiệu chi tiết về sách giáo khoa điện tử đầu tiên ở Việt Nam đã khẳng định những lợi ích không thể phủ nhận của việc sử dụng công nghệ đối với giáo dục trẻ em:
“Có thể nói, lợi ích từ những chiếc máy tính xách tay, máy tính bảng đối với việc giáo dục trẻ em là không thể phủ nhận, đặc biệt là trong khoảng thời gian hơn 10 năm trở lại đây, với một minh chứng cụ thể là chương trình “Mỗi trẻ em một laptop” của Nicholas Negroponte.

Theo thời gian, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, khi mà chi phí sản xuất phần cứng giảm dần một cách rõ rệt, phần mềm đang được tùy biến một cách dễ dàng (đặc biệt là đối với hệ điều hành Android), đã minh chứng cho bước đi này là một hướng đi đúng đắn. Thậm chí nó còn được dự báo sẽ trở thành xu hướng mới của lĩnh vực công nghệ thông tin: cung cấp các thiết bị và nội dung số có tính giáo dục dành cho trẻ em.

Ở Việt Nam, Classbook – chính là một thiết bị cũng nằm trong xu hướng phát triển đó, khi bắt đầu giới thiệu một sản phẩm dành riêng cho học tập từ tháng 2 năm 2013”.

Đánh giá cao về mặt kỹ thuật

Hầu hết các trang tin công nghệ và giáo dục có uy tín sau khi nhận định về những thông số cũng như các tính năng của sản phẩm đã bày tỏ những đánh giá cao về mặt kỹ thuật đối với Classbook:

“Trọn bộ các đầu sách giáo khoa, sách bài tập 12 lớp (kể cả chương trình nâng cao) trên Classbook được số hóa và tích hợp các chức năng đa phương tiện và tương tác từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với chất lượng cao, đảm bảo về mặt bản quyền và chất lượng hiển thị. Với trọn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, Classbook thật sự tiện lợi, đặc biệt là đối với những gia đình không có nhiều thời gian trong việc chuẩn bị sách giáo khoa cho con em họ mỗi dịp năm học mới.

Không chỉ đơn thuần tạo ra một chiếc máy tính bảng 8 inch thông thường với giá 4,8 triệu đồng (tương đương 230$), đội ngũ chỉ khoảng 30 người phát triển Classbook còn xây dựng tùy chỉnh bản ROM cho phép cha mẹ kiểm soát các ứng dụng, thêm nội dung cài đặt sẵn, theo dõi hành vi trực tuyến của con em mình thông qua việc cập nhật nội dung qua máy tính dùng Windows”, trang Tech In Asia giới thiệu tới độc giả.

Cũng cùng nhận định trên, trang mạng chuyên về giáo dục Open Equal Free cho rằng “Classbook với các chức năng tương tác hấp dẫn sẽ nâng cao trải nghiệm của người dùng khi sử dụng”, “Một tính năng ưu việt khác của sách giáo khoa điện tử là học sinh có thể làm các bài tập trắc nghiệm tương tác trên thiết bị Classbook dưới một trong hai chế độ kiểm tra hoặc luyện tập để có thể tự đánh giá mức độ hiểu bài của mình và phụ huynh cũng như giáo viên cũng có thể theo dõi kết quả bài tập trắc nghiệm này”.

Dự đoán về một xu thế tất yếu

Trên trang tiếng Việt của Đài phát thanh Úc Châu (ABC Radio Australia), Classbook được ví như một “cuộc cách mạng sách giáo khoa Việt Nam”. Tuy nhiên, tác giả bài viết cũng bày tỏ lo ngại về giá của thiết bị khi cho rằng “Hiện tại mức giá hơn 4 triệu cho 1 chiếc classbook có thể coi là rẻ nhưng với các gia đình ở nông thôn thì tôi nghĩ rằng họ vẫn chưa sẵn sàng”.

“Có lẽ, classbook ở Việt Nam vẫn còn là một điều mới mẻ nhiều phụ huynh chưa biết công năng. Trong khi trên thế giới nhiều quốc gia đã áp dụng classbook trong việc dạy học. Điều này cho thấy những người thực hiện chương trình này còn phải mất nhiều công trong việc truyền thông, quảng bá classbook đến cái vị phụ huynh. Đặc biệt là phụ huynh ở nông thôn, điều kiện dân trí chưa cao”

Mặc dù vậy, báo chí nước ngoài đều cùng có chung một dự đoán khi nói về tương lai cho sách giáo khoa điện tử ở Việt Nam:

“Classbook với thương hiệu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, được phát triển như một giải pháp sách giáo khoa tiên tiến và phù hợp với lộ trình đổi mới sách giáo khoa vào năm 2015 tại Việt Nam. Nó được kỳ vọng nâng cao chất lượng dạy và học của các trường phổ thông trong tương lai” – Open Equal Free.

Còn chuyên trang công nghệ châu Á Tech In Asia thì trông đợi vào sự thay đổi nhận thức ở các bậc phụ huynh: “Dĩ nhiên, câu chuyện vẫn ở phía trước, mọi thứ dường như mới chỉ bắt đầu. Sản phẩm, hay thậm chí là đơn vị chủ quản tạo ra nó vẫn còn rất non trẻ, là đơn vị đi tiên phong. Thêm vào đó, nền giáo dục Việt Nam vẫn thường đi theo xu hướng “chậm mà chắc”. Trong bối cảnh đó với một phạm vi hẹp, Classbook có thể coi là một giải pháp khôn ngoan cho những gia đình biết tính toán chi tiêu.

Nhìn rộng hơn, đây là một sản phẩm mang tính thay đổi, một giải pháp thúc đẩy nền giáo dục phát triển. Vấn đề cốt lõi ở đây là, liệu các phụ huynh và học sinh ở Việt Nam có nhận thức được lợi ích tiềm năng mà Classbook có thể mang lại cho con em họ không, chúng ta hãy cùng chờ xem”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo nước ngoài đưa tin về sách giáo khoa điện tử ở Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.