Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm của UB Thường vụ Quốc hội đến thời điểm này bảo lưu cả 2 nội dung: định kỳ lấy phiếu chỉ 1 lần/nhiệm kỳ và phiếu tín nhiệm 3 mức.
Cụ thể, về thời hạn, thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, vẫn có 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định như dự thảo Nghị quyết hiện nay là Quốc hội, HĐND các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ (vào năm thứ hai và năm thứ tư) hoặc lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối mỗi năm nhằm bảo đảm thận trọng, khách quan hơn trong việc đánh giá cán bộ.
UB Thường vụ Quốc hội nhận định, nếu lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong 1 nhiệm kỳ hoặc theo định kỳ hàng năm như quy định tại Nghị quyết số 35 hiện hành thì thời gian giữa các lần lấy phiếu quá ngắn, không đủ để phản ánh đúng mức độ biến chuyển trong công tác của người được lấy phiếu.
Vì vậy, UB Thường vụ cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ sẽ khắc phục được hạn chế kể trên. Người được bầu và phê chuẩn có hơn 2 năm để làm quen với công việc và phát huy hết khả năng của mình trên cương vị công tác.
“Đó cũng là thời gian cần và đủ để đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân giám sát và đánh giá về năng lực, trình độ cũng như phẩm chất, đạo đức của người được lấy phiếu” - báo cáo giải trình tiếp thu viết.
Một lập luận khác được đưa ra, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào năm thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân sẽ kết nối kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ của các tổ chức Đảng, làm cơ sở cho việc quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho khóa tiếp theo, đồng thời tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận tại Hội nghị trung ương 9 (khóa XI).
Đề xuất lấy phiếu 2 lần/nhiệm kỳ cũng được phân tích có ưu điểm là giúp việc đánh giá cán bộ được diễn ra thường xuyên hơn. Tuy nhiên, ngược lại, do kỳ lấy phiếu lại lệch so với đánh giá cán bộ, công chức, đánh giá trong Đảng nên có thể tạo ra sự kém đồng bộ trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ nói chung.
UB Thường vụ Quốc hội cũng “trấn an” các lo lắng, nghi ngại về việc lấy phiếu chỉ 1 lần/nhiệm kỳ quá an toàn với cán bộ với lý lẽ, bên cạnh lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội, Hội đồng nhân dân còn có nhiều hình thức khác để có thể giám sát, thể hiện thái độ, sự tín nhiệm của mình đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn như giám sát thường xuyên, chất vấn, yêu cầu giải trình, đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm...
Vì nhiều lẽ như vậy, UB Thường vụ Quốc hội giữ quy định về định kỳ lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ như thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.
Giải trình về việc duy trì phiếu đánh giá với 3 mức độ “tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp”, UB Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh quan điểm, lấy phiếu là việc thăm dò mức độ tín nhiệm, quy định 3 mức sẽ giúp đại biểu có nhiều lựa chọn hơn và đánh giá chính xác, thận trọng hơn đối với người mà mình đã trực tiếp bầu và phê chuẩn.
UB Thường vụ Quốc hội cũng phân tích, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ ảnh hưởng và tác động trực tiếp đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Qua đó, người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ thấy được mức độ tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND với bản thân mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Quy định 3 mức độ tín nhiệm để phân biệt rõ hơn với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, tạo thuận lợi hơn trong việc xác định hệ quả của hoạt động này, xem đây là một bước chuẩn bị trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ.
Vì vậy, UB Thường vụ thống nhất với hướng lấy phiếu theo 3 mức đánh giá tín nhiệm này.
Từ quy định 3 mức phiếu này, việc đánh giá hệ quả đối với người được lấy phiếu cũng có 2 hướng ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định theo hướng người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể từ chức. Nếu từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UB thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị đối với người có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì chuyển sang thủ tục miễn nhiệm mà không cần thêm một lần bỏ phiếu tín nhiệm nữa để đơn giản hơn về thủ tục, tránh tâm lý căng thẳng cho cả người được bỏ phiếu và đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
UB Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, quy định tại Nghị quyết 35 hiện hành cũng như dự thảo Nghị quyết sửa đổi lần này đều thể hiện theo hướng để người có tín nhiệm thấp có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không còn được tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó mà không phải qua bước bỏ phiếu tín nhiệm. Điều này sẽ góp phần xây dựng “văn hóa từ chức” trong cơ quan nhà nước như ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu.
Bên cạnh đó, cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn cũng có thể chủ động trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người có tín nhiệm thấp để chuyển sang công việc khác phù hợp hơn.
UB Thường vụ Quốc hội “gật đầu” với loại ý kiến thứ nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.