(HNMO) – Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) vừa cho biết, theo kết quả nghiên cứu, mặc dù được pháp luật bảo vệ, trẻ em Việt Nam vẫn phải chịu bạo lực trong gia đình, gây tác hại lâu dài về thể chất, tâm lý, tình cảm và kết quả học tập...
Nhằm hiểu rõ hơn những gì mà trẻ em bị bạo lực phải trải qua, những tác động của nó đối với đời sống các em qua các thời kỳ và trong các hoàn cảnh khác nhau, UNICEF đã hỗ trợ nghiên cứu “Hiểu về những trải nghiệm của trẻ em bị bạo lực ở Việt Nam: Bằng chứng từ chương trình nghiên cứu Những cuộc đời trẻ thơ”. Nghiên cứu đã tìm hiểu những hình thức bạo lực mà trẻ em phải hứng chịu tại gia đình ở Việt Nam, các yếu tố liên quan như nghèo khổ và áp lực tài chính gây căng thẳng, các nhân tố gây bạo lực gia đình.
Bà Vũ Thị Thanh Hương, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tác giả của nghiên cứu này cho biết: “Nhiều bố mẹ sử dụng bạo lực với con cái để giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày và điều đó được xã hội chấp nhận”.
Theo ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện UNICEF Việt Nam, với bạo lực gia đình, hoàn cảnh là yếu tố chính. Các chính sách và can thiệp thực tế nhằm giải quyết bạo lực cần tính đến các yếu tố nghèo khó và định kiến giới, những yếu tố đã tạo nên môi trường cho trẻ em. Các biện pháp ngăn chặn và giải quyết bao gồm truyền thông trực tiếp, các biện pháp kỷ luật tích cực, xây dựng dịch vụ bảo vệ để trẻ em đang phải đối mặt với bạo lực tại gia đình có thể tìm kiếm sự hỗ trợ dễ dàng. Tại cộng đồng, hàng xóm, họ hàng, thầy cô giáo và bạn bè tại trường nên là những người đi đầu trong việc báo cáo bạo lực đối với trẻ em. Việc xây dựng, hỗ trợ mạng lưới báo cáo cộng đồng này nên được coi là ưu tiên hàng đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.