Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bạo lực vẫn ám ảnh

Đình Hiệp| 31/12/2014 06:37

(HNM) -

Tướng John Campbell (giữa) tại lễ hạ cờ ở thủ đô Kabul (ảnh: Reuters)


Cùng với bước đi mang tính biểu tượng của người đứng đầu Nhà trắng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp mãn nhiệm Chuck Hagel cũng tuyên bố chính thức chấm dứt sứ mệnh tác chiến của quân đội các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu ở Afghanistan. Theo đó, khoảng 15.000 lính Mỹ và NATO ở lại Afghanistan sẽ nhận sứ mệnh cố vấn, huấn luyện các lực lượng bản địa để chống lại sự nổi dậy của các tay súng Taliban. Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, con số 15.000 là quá nhỏ so với thời kỳ đỉnh cao 180.000 binh lính Mỹ và NATO có mặt tại Afghanistan.

Sự kiện chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của Mỹ và NATO được đưa ra đồng thời trong bối cảnh Afghanistan vẫn chưa hết hiểm họa trước các cuộc tấn công bạo lực và khủng bố. Theo số liệu công bố mới đây của Liên hợp quốc, số dân thường thiệt mạng trong các cuộc tấn công tại Afghanistan đã gần cán mốc 4.000 người, tăng 19% so với năm trước đó. Lực lượng quân đội và cảnh sát Afghanistan cũng chịu tổn thất nặng nề không kém với hơn 4.600 người thiệt mạng, cao hơn nhiều số thương vong của lực lượng quốc tế ở quốc gia này tính từ năm 2001 (3.485 người).

Không chỉ Afghanistan, chính phủ của Tổng thống B.Obama cũng chưa hết "đau đầu" với cuộc chiến khi nó tiêu tốn của người đóng thuế Mỹ ít nhất 1.000 tỷ USD. Thế nhưng, "thành quả" thu được trong cuộc chiến "hao người, tốn của" - với mục tiêu lật đổ chính quyền Taliban vì đã thao túng cho tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda tiến hành vụ tấn công ngày 11-9-2001 - đã không như mong đợi. Dẫn số liệu so sánh những thiệt hại của Mỹ đã đổ vào cuộc chiến hơn 13 năm qua, Tổng thống B.Obama thừa nhận trước dư luận rằng Afghanistan vẫn là một nơi nguy hiểm. Và dẫu hoan nghênh những thành quả đạt được trong cuộc chiến chống phiến quân Taliban, nhưng chỉ huy lực lượng NATO tại Afghanistan, tướng John Campbell cũng phải lên tiếng thừa nhận rằng con đường phía trước tại xứ đá sỏi của Nam Á vẫn còn không ít thách thức.

Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, kể từ ngày 1-1-2015, 28 quốc gia thành viên NATO và 14 nước đối tác sẽ tham gia sứ mệnh mới của liên minh tại Afghanistan với tên gọi "Hỗ trợ kiên quyết". Theo đó, sứ mệnh "Hỗ trợ kiên quyết" sẽ thay thế sứ mệnh của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) tại Afghanistan được thành lập năm 2001, với hơn 140.000 binh sĩ, nằm dưới sự chỉ huy của NATO từ tháng 8-2003. Theo kế hoạch 12.500 binh sĩ tham gia sứ mệnh mới này có nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ lực lượng an ninh của Afghanistan.

Sự kiện Mỹ và NATO đồng thời tuyên bố chính thức kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan là bước đi lịch sử để Tổng thống Ashraf Ghani đẩy nhanh lộ trình xây dựng một chính phủ đoàn kết. Thế nhưng, tình trạng bạo lực tái diễn thời gian qua đang làm dấy lên lo ngại trong dư luận rằng, sự can thiệp của lực lượng quốc tế tại Afghanistan đã thất bại khi quốc gia này vẫn phải đối mặt với vòng xoáy bạo lực đến từ các tay súng Taliban. Một câu hỏi lớn vẫn còn đó là liệu các lực lượng Afghanistan có xua tan bóng đen Taliban khi các phần tử chủ chiến vẫn tiến hành các cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Kabul. Đất nước Afghanistan còn nghèo và luôn ám ảnh bởi bạo lực có an toàn hơn sau khi Mỹ và NATO kết thúc sứ mệnh chiến đấu là điều không ai dám chắc. Đây sẽ là thách thức với chính phủ của Tổng thống A.Ghani trong nỗ lực ổn định tình hình để kiến thiết đất nước ngay trong năm mới 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực vẫn ám ảnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.