Đã có rất nhiều biện pháp, có vô số liều thuốc được “kê đơn” để “chữa trị” căn bệnh bạo lực học đường. Vậy mà tại sao
Đánh nhau là… bình thường!
Trong nhiều clip học trò “xử lý” nhau một bằng bạo lực như dùng ghế, cấu xé, lột đồ… không khó thấy cảnh các em học sinh nhởn nhơ đứng xem, nhiều em còn cổ vũ một cách nhiệt tình như đang được giải trí với các màn “đấm bốc” miễn phí . Đó chính là vô cảm với nỗi đau của bạn bè, bình thản trước những hành vi xâm phạm người khác…
Xem đánh nhau là bình thường nên học trò vô cảm với những hình ảnh này? |
Trong các buổi chuyên đề về bạo lực học đường diễn ra tại một số trường học ở TPHCM (như Trường THCS Châu Văn Liêm, THPT Gò Vấp…), nhiều em học sinh cho biết, các em có thể đánh nhau vì những lý do như nói xấu trên Facebook, trái ý nhau, nợ nần, quan hệ tình cảm…, thậm chí đánh vì nhìn cái mặt thầy ghét, thấy “chảnh”. Một số em chưa từng tham gia đánh nhau vẫn cho rằng bạo lực học đường, học sinh đánh nhau là... chuyện nhỏ.
Hành xử bất thường, đáng sợ trong mối quan hệ bằng hữu, bạn bè hay chí ít là giữa người và người lại đã được bình thường hóa trong suy nghĩ của các cô cậu học trò. Bạo lực không chỉ ở đòn roi. Những tiếng hò reo của trẻ khi nhìn người khác hành hạ nhau đáng sợ không kém bất kỳ hành động tay chân nào.
Lúc các em mất đi lòng nhân ái, thờ ơ với nỗi đau của người khác, cổ vũ việc đánh đấm nhau… cũng là lúc các em làm quen với bạo lực, thậm chí háo hức, thích thú với bạo lực. Thiếu vắc-xin để phòng ngừa, vi rút bạo lực đang không ngừng nảy nở, xâm nhập vào vào máu, vào ruột gan và cảm xúc của các em học trò.
Như người mẹ chị Trần Thị Hậu, ngụ ở Tân Bình, TPHCM kể chị thường sử dụng các tình huống trong thực tế để trao đổi với con . Khi xem clip nữ sinh đánh nhau, chị liền thăm dò ý kiến cô con gái học lớp 7 thì cháu lắc đầu, tỉnh bơ: “Coi miết con ngán rồi, đánh nhau có gì đâu mẹ ơi”.
Người mẹ không khỏi băn khoăn trong câu trả lời tự nhiên mà chứa đầy sự vô cảm của con gái. “Bây giờ tôi hiểu tại sao khi bạn bè đánh nhau, bọn trẻ lại có thể đứng cổ vũ, quay clip một cách thản nhiên như vậy. Khi xem bạo lực chuyện bình thường thì chẳng ai ngại việc làm đau người khác”, chị Hậu lo lắng.
Có thuốc, bệnh vẫn nặng
Nhiều năm đổ lại đây, vấn nạn bạo lực học đường được “gõ chuông” liên tục. Xã hội sốt sắng, nhà trường lo lắng, gia đình bất an… Có vô số các hội thảo, chuyên đề diễn ra ở khắp nơi ở các tỉnh thành, trường học để tìm ra nguyên nhân “căn bệnh”, đủ loại thuốc được kê đơn. Nhưng rồi kết quả học sinh đánh nhau ngày càng nhiều, clip học trò “xử” nhau như xã hội đen xuất hiện nhàm đến mức chẳng buồn xem.
Đủ nguyên nhân được mổ xe, trăm ngàn kế được bàn đến. Ai cũng có thể thuộc lòng các giải pháp, nào là phải tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho các em; nào là người lớn phải làm gương…
Học trò ở TPHCM tham gia chuyên đề đầu tuần về bạo lực học đường |
Suy cho cùng “bệnh” đã được kê đúng thuốc mà vẫn không thuyên giảm. Vì đâu? Nói như một thủ lĩnh phụ trách công tác học sinh sinh viên một tỉnh nọ, khi nhắc đến tình trạng bạo lực học đường, ai cũng thấy nghiêm trọng lắm rồi, nguy cấp lắm rồi, phải rung lên hồi chuông này nọ, đưa ra đủ các giải pháp. Nói là vậy nhưng chẳng thấy sự quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp. Tất cả, từ các cấp quản lý, thầy cô giáo, bố mẹ, học trò đều dồn sức dồn lực, đổ mồ hôi cho việc học và thi.
Ở trường các em vẫn “ngộp thở” với việc học kiến thức. Các môn học mang tính giáo dục nhân cách như Văn học, Đạo đức, Giáo dục công dân hay các hoạt động ngoại khóa rèn kỹ năng sống được kêu gọi cần ưu tiên nhưng thực tế ngày càng bị xem nhẹ, nếu không muốn nói là… tồn tại cho có.
PGS.TS Ngô Minh Oanh (ĐH Sư phạm TPHCM) bày tỏ việc trang bị cho học sinh những phạm trù đạo đức cần thiết là một trong những cách hạn chế bạo lực học đường. Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức ở trường phổ thông, nhất là qua các môn học như môn Đạo đức, Giáo dục công dân nặng tính hàn lâm, lý thuyết, việc chuyển hóa kiến thức được học thành hành vi đạo đức còn rất hạn chế.
Còn phía gia đình, biết bao nhiêu ông bố bà mẹ suốt ngày căn ke từng con điểm, từng thứ hạng của con. Còn con chơi với ai, bạn bè con thế nào, suy nghĩ tình cảm, hành vi ra sao lại chẳng hay biết.
Chúng ta nói rất nhiều, bàn rất nhiều, giải pháp rất hay nhưng không hành động. Người lớn răn đe nhiều, dạy dỗ nhiều trong khi toàn nói một đằng làm một nẻo. Thuốc đã được kê hơn mà không dùng đến thì bệnh không thể khỏi.
Sợ nhất là một khi các em đã xem sự vô cảm, hành xử bạo lực với nhau là chuyện thường - nghĩa là mình không có bệnh thì thuốc có tăng liều, giã nhỏ, đút tận miệng e rằng cũng bị các em… nhè ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.