(HNM) - Dư luận lại thêm một phen ngỡ ngàng trước thông tin Công ty Cho thuê tài chính II (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lỗ 3.000 tỷ đồng trong năm 2009 (nhiều hơn gấp 8,5 lần vốn điều lệ của công ty và xấp xỉ kết quả thu ngân sách của tỉnh Đắc Lắc trong cả năm). Đáng nói, trong khi đó công ty này đã vay 1.010 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội thông qua… 14 hợp đồng khác nhau.
Cách đây hơn một năm, dư luận cũng đã hơn một lần xôn xao trước thông tin Quỹ BHXH có nguy cơ "vỡ" do mất cân đối thu chi. Và tại phiên họp mới đây nhất của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (hai ngày 10 và 11-3 tại TP Hồ Chí Minh), một lần nữa nguy cơ này được đưa lên bàn nghị sự với con số công bố: Năm 2010, tổng thu quỹ BHXH (không kể bảo hiểm thất nghiệp, BHYT được tách riêng) đạt gần 50 nghìn tỷ đồng; thì chi quỹ BHXH cũng tới gần 37 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 73% tổng thu. Đặc biệt, Quỹ hưu trí và tử tuất đang đối mặt với nguy cơ mất cân đối nghiêm trọng.
Thực trạng quỹ như vậy, còn việc sử dụng quỹ của BHXH ra sao thì đến lúc này mọi người mới vỡ nhẽ. Luật BHXH cho phép sử dụng quỹ mua trái phiếu chính phủ, cho ngân hàng thương mại nhà nước vay, đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia... Tuy nhiên sự thực là hoạt động sinh lời này của BHXH đến nay chưa có hiệu quả bao nhiêu. Ví như năm 2009, tiền nhàn rỗi của Quỹ BHXH là gần 110 nghìn tỷ đồng, số vốn đầu tư tăng trưởng quỹ hơn 98 nghìn tỷ đồng, thì ngoài các khoản cho ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu, công trái giáo dục, còn lại hơn một nửa (gần 50.000 tỷ đồng) cho các ngân hàng vay. Lãi thu được ước chỉ vào khoảng 8.400 tỷ đồng. Đáng nói là việc cho vay vốn đã có một số vi phạm như ký hợp đồng thiếu chặt chẽ, cho vay với lãi suất thấp… làm giảm hiệu quả đầu tư tăng trưởng quỹ, tăng nguy cơ rủi ro. Thế mới có chuyện hạn mức bảo lãnh của Agribank để Công ty Cho thuê tài chính II vay tiền của BHXH là 400 tỷ đồng, song BHXH vẫn cho vay tới hơn 1.000 tỷ đồng!
Để tăng sinh lời cho Quỹ BHXH, thời gian gần đây cũng đã có nhiều giải pháp được đưa ra, thế nhưng, sau mấy năm bàn thảo BHXH áp dụng là tăng tỷ lệ đóng BHXH cả từ phía người lao động và chủ sử dụng lao động. Vậy là trong khi chi nhiều mà thu tăng chậm, đầu tư ra ngoài kém hiệu quả, thậm chí nhiều rủi ro dẫn đến hệ quả là việc gia tăng mức thụ hưởng cho người lao động vẫn còn ì ạch, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Có một nghịch lý đang tồn tại là trong khi BHXH mang tiền của người lao động đi kinh doanh, thì chức năng chính của BHXH là chăm lo cho người tham gia bảo hiểm lại đang còn nhiều vấn đề gây bức xúc. Kết luận thanh tra mới nhất của Thanh tra Chính phủ cho thấy việc thu, quản lý và sử dụng quỹ BHXH có nhiều bất cập, khi công tác xây dựng kế hoạch thu chưa sát với thực tế; để tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT diễn biến phức tạp; việc chi sai thủ tục, mục đích, sai đối tượng lên tới hàng chục tỷ đồng; chi sai chi khống trong BHYT lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài ra, kết quả hoạt động của BHXH cho thấy hệ thống này đang phải đối mặt với thử thách khá lớn về vấn đề bình đẳng giữa các nhóm tham gia bảo hiểm và mục tiêu bền vững về tài chính khi thực tế mới chỉ có khoảng 30% lực lượng lao động tham gia BHXH, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa hiện một số nơi đang "trắng" BHXH. Điều này khẳng định rằng BHXH chưa làm "tròn vai" của mình nhưng lại có nhiều lình xình ở những lĩnh vực khác.
Trở lại câu chuyện lỗ của Công ty Cho thuê tài chính II, lãnh đạo BHXH Việt Nam đăng đàn khẳng định "tiền đã được bảo lãnh" nên "không thể nói là thất thoát" (?). Nhưng nhiều người hiểu đó chỉ là một sự biện minh. Bởi dù với sự bảo lãnh nào, nguồn tiền nào cũng là tiền của Nhà nước, của nhân dân. Đó là chưa kể đến trường hợp xấu nhất, tiền vay từ Quỹ BHXH bị thua lỗ (vốn là tiền của nhân dân, của người lao động hằng tháng đóng góp vào Quỹ BHXH) không được thu hồi, liệu quyền lợi của hàng triệu người nhận chế độ BHXH có bị ảnh hưởng?
Xem ra, với cung cách quản lý thế này thì BHXH không chỉ thua lỗ tiền bạc mà còn thua thiệt cả uy tín với
nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.