Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm hưu trí bổ sung - còn khó thực hiện

Minh Bắc| 09/11/2015 06:55

(HNMO) - Bộ LĐTB&XH vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về bảo hiểm hưu trí bổ sung. Nhiều ý kiến đã chỉ ra trong dự thảo còn quá nhiều chỗ cần phải làm rõ trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Nhiều người lao động mong muốn được đóng thêm tiền để khi về hưu nhận lương nhiều hơn.
(Ảnh minh họa: Minh Bắc)



Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 27 điều và được Bộ LĐTB&XH tổ chức lấy ý kiến đến hết ngày 1/12/2015. Và những đóng góp này sẽ được Ban soạn thảo tổng hợp, sửa đổi đưa vào NĐ trước khi trình Chính phủ. Dự thảo Nghị định quy định, đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ là những người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) đang tham gia BHXH bắt buộc.

Lý do để đưa ra bảo hiểm hưu trí bổ sung là vì mức lương hưu bình quân của NLĐ hiện tại không bảo đảm đời sống. Do đó nhiều người mong muốn được đóng thêm tiền để khi về hưu nhận lương nhiều hơn. Tuy vậy việc đóng hơn lại bị khống chế bởi Luật BHXH quy định tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở. “Như vậy, trường hợp NLĐ có lương cao hơn thì giới hạn trần đóng BHXH là chưa thuận lợi nếu họ có nhu cầu được hưởng lương hưu cao hơn khi về già, tương ứng với mức lương khi họ còn đi làm”, đại diện Bộ LĐTB&XH nhận xét.

Thực tế, chính sách lương hưu bổ sung đã được một số doanh nghiệp (DN) áp dụng nhằm giữ NLĐ giỏi thêm gắn bó với công ty như: Unilever Việt Nam, Dutch Lady Việt Nam, Nestlé Việt Nam... Các DN này đã trích lập một quỹ hưu trí bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của mình để chi trả lương hưu bổ sung cho NLĐ khi họ hết tuổi lao động. Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết trên thế giới đã có khoảng 80 quốc gia đã triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Dự thảo Nghị định cho biết nguồn tạo lập quỹ là từ sự đóng góp của NLĐ và NSDLĐ. NSDLĐ đóng thấp hơn hoặc bằng 22% của 20 lần mức lương cơ sở. Các khoản đóng của DN và NLĐ được miễn thuế thu nhập. Về chế độ hưởng, NLĐ sẽ hưởng hưu trí bổ sung hằng tháng khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc hưởng một lần. Mức hưởng lương hưu bổ sung hằng tháng bằng giá trị tài khoản tiết kiệm cá nhân của NLĐ ở thời điểm nghỉ hưu chia cho 240 (tương ứng 20 năm hưởng lương). Mức hưởng một lần được xác định bằng toàn bộ số tiền tồn tích trong tài khoản tiết kiệm cá nhân của NLĐ sau khi đã trừ các khoản phí tính đến thời điểm hưởng.

Bàn về những nội dung trong dự thảo Nghị định, một số ý kiến đã yêu cầu làm rõ hình thức đầu tư quỹ thế nào để tránh rủi ro hay nguyên tắc bảo toàn quỹ ra sao phải chỉ ra. Ngay cả đến tiền bảo hiểm bổ sung này sẽ thuộc tài sản của riêng NLĐ hay của NSDLĐ cũng cần xác định. Nếu hoàn toàn là tài sản của NLĐ thì quyền định đoạt tài sản đó như thế nào. Đặc biệt vai trò của Bộ LĐTB&XH cũng như Bộ Tài chính như thế nào trong vấn đề này?...

Một chuyên gia chính sách BHXH lại cho rằng, nguyên tắc của quỹ hữu trí bổ sung chưa rõ, đó là làm thế nào để vừa bảo toàn và vừa tăng trưởng. Các điều khoản thi hành không thấy vai trò của Bộ LĐTB&XH cùng với chế tài nếu có hành vi chậm hoặc dừng không đóng…

Đây là một chính sách mới, nên cũng có ý kiến nêu là cần phải có lộ trình và bước đi thích hợp, trước mắt chỉ áp dụng đối với NLĐ và NSDLĐ trong các loại hình doanh nghiệp đang tham gia BHXH bắt buộc và người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung phải thông qua NSDLĐ (NSDLĐ đóng một phần hoặc toàn bộ) để thể hiện trách nhiệm của NSDLĐ cũng như sự gắn kết trong quan hệ lao động, khuyến khích người lao động làm việc lâu dài cho NSDLĐ.

Đại diện công đoàn yêu cầu dự thảo Nghị định cần quy định mức sàn nhất định để NSDLĐ có trách nhiệm đóng. Việc chi trả cũng phải linh hoạt. Nếu NLĐ chuyển dịch từ đơn vị đang tham gia sang đơn vị không tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung thì sẽ thế nào…?

Nhiều doanh nghiệp khi nghe dự thảo NĐ cũng tỏ ra lo lắng, hoài nghi về việc đóng góp quỹ, đầu tư phát triển quỹ. Nhìn chung, để chính sách này đi vào cuộc sống đang rất nhiều khó khăn./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm hưu trí bổ sung - còn khó thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.