(HNM) - Từ lâu, việc thực hiện bảo hiểm du lịch (BHDL) ở nước ta không mấy khi được du khách cũng như các công ty lữ hành quan tâm. Vụ chìm tàu du lịch ở Quảng Ninh vừa qua đã nhắc nhở du khách không thể thờ ơ với tầm quan trọng của BHDL.
Bảo hiểm du lịch là rất cần thiết cho khách du lịch và các công ty du lịch. Ảnh: Đăng Khoa |
Lữ hành và du khách cùng… "quên"
Theo Tổng cục Du lịch, loại hình BHDL hiện nay rất phong phú, giá cả phù hợp với nhiều đối tượng. Ngoài sự trợ giúp về y tế, BHDL còn hỗ trợ du khách trước những rủi ro có thể gặp phải, như mất hành lý, mất giấy tờ, hồi hương, đặt lại tour... Mức phí chung của BHDL từ 1.500 đồng đến 1,5USD/ngày/người với mức đền bù được hưởng là 10 triệu đồng/vụ. Dù số tiền dành để mua BHDL không lớn nhưng vẫn ít được du khách quan tâm vì cho rằng nó thiếu thiết thực, đặc biệt là với du khách nội địa.
Đại diện một công ty lữ hành có uy tín trên địa bàn Hà Nội cho rằng, đối với du khách nội địa điều quan trọng nhất là giá cả tour du lịch, ít người nghĩ đến độ an toàn hay làm thế nào để tránh rủi ro trong suốt hành trình. Thậm chí, có một định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều du khách Việt Nam là sự chậm trễ trong việc thực thi bảo hiểm. Nếu chẳng may gặp phải sự cố trong hành trình du lịch như trầy chân tay, ốm, sốt, bị côn trùng đốt… phải đến bệnh viện để băng bó thì cũng rất ít người đủ kiên nhẫn để chờ lấy giấy tờ rồi lại chịu khó đợi được thanh toán bảo hiểm. Kể cả với các chuyến đi du lịch ra nước ngoài, du khách Việt Nam cũng chỉ coi bảo hiểm là một thủ tục cần thiết cho hành trình, chứ không nghĩ rằng đó là quyền lợi của mình để yêu cầu các công ty du lịch phải thực hiện. "Đôi khi các công ty chỉ ghi trong tour có kèm cả bảo hiểm mà không ghi cụ thể số tiền BHDL là bao nhiêu, vậy mà du khách cũng không thắc mắc hay phàn nàn gì", đại diện công ty lữ hành này thừa nhận.
Không chỉ du khách mà ngay cả công ty du lịch cũng cố tình "lờ" BHDL, chỉ mua khi khách yêu cầu. Theo lý lẽ của nhiều hãng lữ hành, nếu kèm BHDL thì giá tour chắc chắn phải đội lên. Điều đó kéo theo sức mua tour bị giảm. Thêm vào đó, nhiều người cho rằng đã đi du lịch thì phải tự bảo đảm an toàn cho chính mình và người thân, có BHDL hay không cũng không quan trọng. Lợi dụng tâm lý này, không ít công ty du lịch đã tự ý bỏ qua việc đưa BHDL vào chương trình tour.
Hành trang cần thiết
Khác với khách nội địa, hầu hết du khách quốc tế đều coi BHDL là giấy tờ quan trọng thứ hai sau hộ chiếu. Chính vì vậy, sau khi quyết định mua tour, họ thường hỏi tỉ mỉ về giá trị bảo hiểm cũng như những quyền lợi được hưởng nếu chẳng may sự cố xảy ra.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Trưởng phòng Tiếp thị, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, đã đến lúc du khách trong nước phải cân nhắc các yếu tố khác ngoài giá cả như uy tín thương hiệu, chất lượng và khả năng bảo đảm an toàn của nhà tổ chức. Đặc biệt, khi mua tour, du khách cần xem kỹ các điều khoản BHDL trong hợp đồng.
Hiện nay, mua BHDL không phải là quy định bắt buộc. Tuy nhiên, qua sự cố chìm tàu ở Quảng Ninh mới thấy hết tầm quan trọng và sự cần thiết của loại hình bảo hiểm này. Vì vậy, nhà làm luật và khách du lịch cần phải có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề này. Cần sớm "luật hóa" việc mua BHDL, khi đó những thiệt hại, mất mát xảy ra khi đi du lịch mới được bù đắp một cách thỏa đáng, giúp khách yên tâm sử dụng dịch vụ của các hãng lữ hành. Thậm chí, nếu làm tốt công tác BHDL, đưa nhu cầu BHDL trở thành thói quen của khách du lịch nội địa, chúng ta sẽ có thêm nguồn thu đáng kể từ phí bảo hiểm để đóng góp cho ngân sách nhà nước. Hơn thế nguồn thu này có thể được dùng để đầu tư trở lại cho nền kinh tế, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.