(HNM) - Thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ cho thấy, năm 2012 đã xảy ra gần 1.400 vụ cháy, khiến hàng trăm người chết và bị thương, thiệt hại ước tính gần 900 tỷ đồng.
Kết quả khảo sát tại các DN cho thấy, việc thực hiện PCCC hiện vẫn chỉ mang tính hình thức, khi rủi ro xảy ra, DN phải chịu nhiều thiệt hại. Trong khi đó, nếu tham gia bảo hiểm cháy nổ và rủi ro tài sản, người dân, DN có thể hạn chế bớt thiệt hại.
Công an xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh) kiểm tra công tác PCCC tại một điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Ảnh: Khánh Nguyên |
Tham gia bảo hiểm để… đối phó
Trong các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm tài sản là một trong những nghiệp vụ truyền thống và khá phổ biến trên thế giới. Khi tham gia bảo hiểm cháy nổ và rủi ro tài sản, khách hàng có thể giảm được thiệt hại nhờ được bồi thường. Tại Việt Nam, từ năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật PCCC. Nghị định nêu rõ những cơ sở phải tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc gồm: Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng; chợ, trung tâm thương mại; nhà chung cư, khách sạn; rạp hát, rạp chiếu phim, nhà thi đấu thể thao, vũ trường; nhà ga, cảng hàng không; cảng biển… Song trên thực tế, người dân, DN vẫn tỏ ra thờ ơ với loại hình bảo hiểm này.
Tại hội nghị "Phổ biến pháp luật về phòng cháy và chữa cháy các khu chế xuất và công nghiệp" do Bảo hiểm AAA phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức mới đây, đại diện Công ty Xe khách Sài Gòn chia sẻ, riêng về bảo hiểm cháy nổ, hầu hết DN chưa quan tâm hoặc có tham gia cũng chỉ mang tính đối phó. Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết, riêng tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, đã có hơn 1.000 DN sản xuất những mặt hàng dễ gây cháy nổ như: dệt may, cơ khí, điện tử, hóa chất… với xác suất xảy ra rủi ro rất lớn. Song có một thực tế vẫn tồn tại lâu nay là nhận thức của DN về PCCC chưa cao. Nhiều DN xem nhẹ công tác PCCC và coi đây là chuyện may rủi nên chưa có sự đầu tư đúng mức. Một số đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm vẫn cố tình làm trái quy định, đặc biệt là DN nhỏ. Nguyên nhân là chế tài xử lý vi phạm khá lỏng lẻo. Một số DN lách luật bằng cách mua ghép bảo hiểm cháy nổ vào tài sản kỹ thuật để giảm chi phí.
Tham gia bảo hiểm để hạn chế rủi ro
Mặc dù người dân, DN còn thờ ơ với loại hình bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản, song theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến cuối năm 2012, nghiệp vụ này vẫn đạt doanh thu 1.624 tỷ đồng, tăng 18,53% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền giải quyết bồi thường tại lĩnh vực này là 516 tỷ đồng, chiếm 32% doanh thu toàn thị trường. Tại lĩnh vực bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, doanh thu đạt 366 tỷ đồng. Hiện tỷ trọng của bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản ở các DN bảo hiểm chiếm khoảng 10-20% doanh thu.
Theo các chuyên gia, cùng với lý do người dân, DN chưa quan tâm đến hai loại hình bảo hiểm này thì kinh tế khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ không thiết tha với việc mua bảo hiểm.
Để nghiệp vụ bảo hiểm này được triển khai hiệu quả, đại diện nhiều DN cho rằng, các ngành chức năng cần có chế tài xử lý vi phạm rõ ràng nhằm nâng cao ý thức của các đối tượng thuộc diện bắt buộc phải tham gia. DN bảo hiểm cần đẩy mạnh truyền thông để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng Giám đốc Bảo hiểm AAA, chi phí cho công tác PCCC và mua bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tài sản kỹ thuật cho DN cần phải được xem như những chi phí cố định khác của DN. Bởi việc làm tốt công tác PCCC sẽ giúp DN yên tâm sản xuất, kinh doanh đồng thời tối thiểu hóa thiệt hại khi rủi ro xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.