(HNM) -
Ki ốt của gia đình bà Đa - chị Dung và trụ cổng, tường bao của gia đình bà Hiền (thôn I, xã Kim Quan) vẫn tồn tại. |
Tìm hiểu, được biết, dọc tuyến đê sông Tích, đoạn từ cổng làng Đụn Dương (thị trấn Liên Quan) đến Trạm y tế xã Kim Quan dài hơn 600m, có 28 trường hợp có đất, nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ đê sông Tích (theo trích lục tờ bản đồ số 6, năm 2001). Tại khu vực này, có 7 trường hợp lấn chiếm đất, xây tường bao cao 1,2m làm lều, lán chứa vật liệu, bán hàng, trồng rau... Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Quan Đỗ Quốc Biểu thừa nhận có tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê sông Tích. Trả lời về việc tại sao vi phạm không bị xử lý dứt điểm, ông Biểu cho biết: "Đối với những trường hợp vi phạm, xã đều lập biên bản. Do các hộ chỉ xây tường bao, làm lều lán tạm, không xây công trình kiên cố nên tạm thời giữ nguyên trạng. Khi nào nhà nước thu hồi sử dụng, địa phương sẽ giải phóng mặt bằng..."(?). Như vậy khác nào UBND xã Kim Quan đã "ngỏ cửa" để cho vi phạm phát sinh và nghiễm nhiên tồn tại?
Tại khu vực ven đê sông Tích, thuộc địa bàn thôn I, đoạn từ cầu sắt cửa đình Kim Quan đến dốc cổng sông (gần lối rẽ vào trụ sở UBND xã), từ năm 2003 có một số hộ dân tự ý đổ khoảng 6.000m2 đất để san nền. Tuy nhiên, UBND xã Kim Quan đã không kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm, mà còn ký hợp đồng cho 10 hộ thuê 520,6m2 đất để xây 10 ki ốt kinh doanh với thời hạn 30 năm, thu tổng số tiền 39,245 triệu đồng(?).
Ngoài ra, cũng ở thôn I còn có 2 trường hợp là gia đình bà Nguyễn Thị Hiền lấn chiếm đất công thuộc hành lang bảo vệ đê sông Tích để xây 9,6m2 tường bao, cổng sắt lối đi và san nền làm sân trên diện tích 20,4m2; gia đình bà Nguyễn Thị Đa xây ki ốt để kinh doanh với diện tích 13,1m2. Ngày 28-2-2013, UBND huyện Thạch Thất đã có Quyết định số 1289/QĐ-UBND, yêu cầu UBND xã Kim Quan thu hồi đất, tháo dỡ các công trình vi phạm của gia đình bà Hiền và bà Đa. Tuy nhiên, đã 6 tháng trôi qua, gia đình bà Hiền mới chỉ tháo dỡ phần mái vẩy, cổng sắt, còn tường bao, trụ cổng và sân chưa tháo dỡ. Riêng ki ốt của gia đình bà Đa vẫn... y nguyên. Về sự chậm trễ này, lãnh đạo xã Kim Quan lý giải: "Trước năm 2000, một số hộ dân tự ý lấn chiếm đất hành lang bảo vệ đê sông Tích để làm lều lán, quán bán hàng, trong đó có gia đình bà Hiền, bà Đa. UBND xã đã thực hiện cưỡng chế tháo dỡ đối với các trường hợp vi phạm. Riêng ki ốt của gia đình bà Đa (có chị Dung là con gái, bị tàn tật do nhiễm chất độc da cam, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn), nên UBND xã đã đồng ý cho gia đình "mượn" đất để làm dịch vụ từ đó đến nay. Hiện xã chưa thực hiện được việc cưỡng chế tháo dỡ là do sau khi UBND huyện Thạch Thất ra quyết định xử lý vi phạm, gia đình bà Đa - chị Dung có đơn kêu cứu...".
Rõ ràng, trong nhiều năm qua, UBND xã Kim Quan còn nể nang, chậm trễ, không kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất công, hành lang bảo vệ đê sông Tích, vi phạm Luật Đê điều. Riêng trường hợp hộ bà Đa - chị Dung, chính quyền địa phương cần giải quyết dứt điểm, không nên để tồn tại vi phạm, đồng thời phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để có biện pháp giúp đỡ thiết thực, cụ thể và phù hợp điều kiện của địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.