Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ xóa bỏ cơ chế “xin - cho”?

Hiền Chi| 29/05/2012 07:29

(HNM) - Ngày 25-6-2012, Nghị định 41/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có hiệu lực. Đây là bước ngoặt lớn đánh dấu sự đổi mới trong cơ chế quản lý công chức, viên chức.

Báo động về vấn đề công chức

Mục tiêu nâng cao chất lượng cán bộ công chức (CBCC) có kết quả thực hiện kém nhất trong 9 mục tiêu của Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001-2010. Điều này cho thấy thực tế đáng báo động về vấn đề công chức. Mục tiêu đặt ra đến năm 2010, đội ngũ CBCC có số lượng, cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại, có phẩm chất tốt và đủ năng lực thực thi công vụ, tận tụy phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và phục vụ nhân dân... đã không đạt được. Không ít lãnh đạo cơ quan cho rằng, rất khó tuyển dụng CCVC có năng lực chuyên môn và thực tài. Điều đó dẫn đến sự chênh lệch trong phân phối công việc, xảy ra tình trạng người làm cả ngày không hết việc, người không có việc để làm vì năng lực có hạn.


Đổi mới cơ chế quản lý công chức, viên chức sẽ góp phần thúc đẩy cải cách tiền lương hiệu quả.Ảnh: Huyền Linh

Trong khi đó, đội ngũ CCVC tại nhiều cơ quan khá cồng kềnh, mà việc tinh giản biên chế lại chưa thực sự mang lại hiệu quả. Bằng chứng là sau 4 năm thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế thì tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế là 54.220 người, song số người giảm biên chế ít hơn số người được bổ sung. Vì thế, bộ máy hành chính không những không giảm mà còn tăng đến 25%. Năm 2000, tổng số biên chế công chức hành chính của cả nước mới hơn 200 nghìn người, cuối năm 2011 đã lên tới khoảng 260 nghìn người. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch nhân sự còn yếu, quản lý nhân sự chưa bài bản... cũng là những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng công chức. Đương nhiên, khi Nhà nước phải trả lương cho nhiều người, kể cả những người làm không hiệu quả, thì tiền lương công chức khó được cải thiện.

Đổi mới cơ chế

Nghị định 41/2012/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành quy định rõ vị trí việc làm: Là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định đưa ra 5 căn cứ để xác định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập cũng như phương pháp xác định vị trí việc làm. Theo đó, xác định vị trí việc làm được thực hiện bằng 8 bước cơ bản: Thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập; phân nhóm công việc; xác định các yếu tố ảnh hưởng; thống kê, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ viên chức; xác định bảng danh mục vị trí việc làm cần thiết của đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm; xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm; xác định chức danh nghề nghiệp tương ứng với danh mục vị trí việc làm cần thiết. Hằng năm, cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm xây dựng đề án vị trí việc làm, trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Theo các chuyên gia, bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm và khung năng lực của từng vị trí việc làm sẽ là căn cứ để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc đánh giá một cách chính xác, khách quan, công bằng đối với CCVC. Qua đó, khẳng định và phân biệt được đúng người làm tốt và người làm chưa tốt. Từ đó mới phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ người có tài. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: "Thực hiện tốt việc xác định vị trí việc làm sẽ khắc phục được tình trạng đội ngũ CCVC thừa những người không làm được việc và thiếu những người làm được việc, đồng thời khắc phục cả tình trạng "sống lâu lên lão làng". Đổi mới cơ chế quản lý CCVC cũng sẽ góp phần thúc đẩy cải cách tiền lương có hiệu quả".

Như vậy, Nghị định 41/2012/NĐ-CP ra đời và có hiệu lực trong tháng 6-2012 là phù hợp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước tiến đổi mới cơ chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Yêu cầu đặt ra là cần phải có bước tiến sâu rộng hơn nữa về đối tượng bởi dự thảo đề án "Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012-2020" đã đưa ra lộ trình đến năm 2015, có 50% cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu CBCC theo vị trí việc làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ xóa bỏ cơ chế “xin - cho”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.