(HNM) - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp nước ta có nhiều thành tựu vượt bậc với những mặt hàng xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu… Tuy nhiên, do chất lượng hàng nông sản chưa cao và không ổn định nên giá trị vẫn còn thấp.
Việc chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng số lượng là chủ yếu sang nền nông nghiệp công nghệ cao (CNC) nhằm tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả đang là yêu cầu cấp thiết.
Kiểm tra độ nảy mầm cây giống theo phương pháp nuôi cấy mô tại Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào thực vật Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ảnh: Đình Na |
Những cơn "gió thoảng"
Việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta đã và đang triển khai thực hiện tại một số doanh nghiệp, địa phương như Hà Nội, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh… bước đầu mang lại hiệu quả. Một số công nghệ tiên tiến đã được phát triển để phục vụ tốt cho sản xuất như công nghệ mô hom nhân giống cây lâm nghiệp, công nghệ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ nuôi gà, heo lạnh, công nghệ di truyền tạo cá rô phi đơn tính, công nghệ nuôi siêu thâm canh cá tra, công nghệ chiếu xạ bảo quản thanh long… Nhờ tiến bộ vượt bậc của công nghệ sinh học, cho đến nay tỷ lệ bò thụ tinh nhân tạo của nước ta đạt 55%. Việc sử dụng tinh nhân tạo giúp bò trưởng thành tăng từ 180kg/con lên 250 - 300kg/con, tỷ lệ xẻ thịt tăng 1,5 lần, nhờ đó đã mang lại lợi nhuận rất lớn cho các hộ chăn nuôi.
Tại Lâm Đồng, Công ty Hasfarm Đà Lạt đã ứng dụng công nghệ của Hà Lan để trồng hoa hồng, cúc, đồng tiền, lily với quy mô 28ha nhà lưới, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 20-30 lần so với phương pháp truyền thống. Tính đến giữa năm 2009, Lâm Đồng đã có 3.300ha đất nông nghiệp canh tác bằng công nghệ mới với nhiều mô hình sản xuất rau, hoa đạt doanh thu cao, như chè chất lượng cao đạt 160-250 triệu đồng/ha; ớt ngọt đạt 1 tỷ đồng/ha/vụ; cá nước lạnh 4-5 tỷ đồng/ha/năm.
Công ty Javeco (Hà Nội) đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trồng hoa lan trong nhà kính, nhà lưới. Mỗi năm, công ty đã cung cấp ra thị trường trên 300.000 cây, con bằng phương pháp nuôi cấy mô. Tại TP Hồ Chí Minh, đã có trên 1.600ha trồng rau an toàn ứng dụng CNC cho sản lượng đạt 3.000 tấn/năm, đặc biệt là diện tích rau sản xuất trong nhà lưới cho giá trị đạt 120 - 150 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, nói như nhiều nhà khoa học thì việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp ở nước ta vẫn rất hạn chế về quy mô, chỉ như "cơn gió thoảng" và chưa đủ sức để đáp ứng nhu cầu trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Tìm "bước đi" hợp lý
Theo ông Nguyễn Văn Tuất (Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), hạn chế lớn nhất của nước ta chính là chưa hình thành quan điểm và tiêu chí thống nhất trong quá trình áp dụng CNC vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc áp dụng CNC chưa tạo ra được các công nghệ mới tiên tiến phù hợp, đồng bộ. Điều đáng quan tâm là một số CNC nhập khẩu trọn gói từ nước ngoài chưa thực sự phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái của Việt Nam, nguồn nhân lực có trình độ cao còn thiếu. Nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng CNC thực hiện thành công nhưng khi đưa vào triển khai còn nhiều khó khăn và hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân vì cơ sở vật chất của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chi phí sản xuất cao, thiếu nhân lực CNC trong sản xuất nông nghiệp, nhưng điều quan trọng nhất là người nông dân vẫn chưa sẵn sàng để tiếp thu và triển khai phương pháp sản xuất hiện đại này.
Để CNC thực sự là đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp thời gian tới, ông Nguyễn Tấn Hinh, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NN&PTNT) đề nghị cần phải xây dựng quy hoạch tổng thể khu nông nghiệp ứng dụng CNC và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, đẩy mạnh nghiên cứu tạo mới CNC trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trong đó, việc đào tạo nguồn nhân lực CNC nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp và khu nông nghiệp ứng dụng CNC hết sức quan trọng.
Nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho việc đưa CNC vào sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án tổng thể "Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC từ nay đến năm 2020". Theo đó, Nhà nước sẽ ưu đãi, hỗ trợ phát triển nghiên cứu CNC trong nông nghiệp với mức cao nhất như vốn, thuế sử dụng đất, phí nhập khẩu một số CNC, máy móc, thiết bị CNC trong nông nghiệp mà nước ta chưa tạo ra được để thực hiện một số dự án nghiên cứu ứng dụng. Đây được xem là nguồn động lực mạnh để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phát triển nông nghiệp CNC một cách phổ biến trong thời gian tới.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT có 14 viện nghiên cứu với hơn 8.000 người đang làm việc. Giai đoạn 2001-2007, kinh phí đầu tư cho KHCN nông nghiệp tăng trung bình 10,92%/năm, đạt 326 tỷ đồng năm 2007 (chưa kể đến các dự án xây dựng cơ bản, giống và thủy lợi). Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.