Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ người dân Phú Châu hết âu lo?

Nam Phong| 24/12/2012 08:05

(HNM) - Thời gian gần đây, người dân xã Phú Châu (huyện Ba Vì) hết sức hoang mang và âu lo vì số người ở địa phương mắc bệnh ung thư và bị chết bởi căn bệnh quái ác này ngày một tăng, lại chủ yếu nằm ở độ tuổi lao động, là trụ cột chính của gia đình.

Anh Lê Văn Minh ở xã Phú Châu rất cần được giúp đỡ để bớt đi gánh nặng bệnh tật. Ảnh: Đỗ Chí


Vào thăm anh Lê Văn Minh (sinh năm 1966) ở xóm 3, thôn Phong Châu, chúng tôi hết sức thương cảm trước hoàn cảnh của gia đình. Từ ngày bác sĩ kết luận anh Minh bị mắc trọng bệnh "xơ gan, di căn đường mật, trong ổ bụng có nhiều dịch tự do và nhiều hạch mạc treo", cả nhà đều buồn bã. Người vợ hiền, chị Ngô Thị Thủy cũng thêm gánh nặng khi đang phải một mình lao động nuôi ba con ăn học (con gái đầu của anh chị đang học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) và bố chồng năm nay đã 84 tuổi. Gương mặt hốc hác, làn da xanh xao, hậu quả sau nhiều ngày trị bệnh, anh Minh khó nhọc cất lên lời chia sẻ với chúng tôi về những tâm tư và lo lắng: "Cả nhà chỉ trông vào ba sào ruộng, giờ tôi lại bị bệnh thế này, ăn còn không xong, không biết lấy gì mà sống, mà nuôi con ăn học. Từ năm ngoái đến nay, gia đình phải chạy vạy mọi chỗ, hết vay ngân hàng lại vay của anh em họ hàng, đã mất hơn 100 triệu đồng chữa chạy rồi mà bệnh không khỏi...". Ngồi cạnh chồng, chị Thủy thỉnh thoảng lại đưa tay lau những giọt nước mắt, đau xót: "Tranh thủ lúc nông nhàn, tôi đi gánh gạch thuê, tối về đan nón để kiếm thêm chút tiền mua thuốc. Bệnh tình của anh ấy lại càng ngày càng nặng, kêu đau suốt, không biết có qua khỏi được không?". Từ khi phát hiện ra trọng bệnh, anh Minh đã nằm điều trị tại Bệnh viện 19-8 khoảng 20 ngày nhưng không thấy chuyển biến, gia đình đã xin ra viện về nhà uống thuốc Nam.

Hoàn cảnh của chị Đỗ Thị Hà (sinh năm 1986) ở xóm 10, thôn Phú Xuyên còn thương tâm hơn vì khi phát hiện bệnh hiểm nghèo thì đứa con mới sinh được 25 ngày đã không được bú sữa mẹ. Ngày chúng tôi đến thăm, sức khỏe chị Hà đã yếu đi nhiều, người gầy rộc, việc đi lại cũng khó khăn. Chị chia sẻ: "Trước đây, sức khỏe của tôi rất tốt, không có biểu hiện gì khác thường. Tuy nhiên, sau khi sinh cháu bé thứ hai được 25 ngày, tôi thấy hiện tượng đau bụng, khi nắn ổ bụng thì phát hiện có một khối u. Khám ở Bệnh viện Việt - Đức, tôi bàng hoàng khi biết mình bị ung thư đại tràng và bây giờ đã di căn vào xương". Kể từ đó đến nay gia đình chị Hà phải chạy chữa thuốc thang khắp nơi rất tốn kém. Bản thân chị đã bảy lần vào viện truyền hóa chất (16 triệu đồng/lần) nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Nhìn cháu bé kháu khỉnh mới tám tháng tuổi được bà nội bế trên tay mà lòng chúng tôi quặn lại...

Đây chỉ là hai trong số khoảng 30 người ở xã Phú Châu đang từng ngày, từng giờ phải vật lộn với căn bệnh ung thư để giành giật sự sống. Chủ tịch UBND xã Phú Châu Dương Văn Hòa giọng chua xót: "Không hiểu thế nào mà khoảng 10 năm trở lại đây nhiều người dân mắc bệnh ung thư như vậy? Căn bệnh nguy hiểm này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 200 con người, nhiều nhất là ở thôn Phú Xuyên". Những người mắc bệnh và đã chết chủ yếu là ung thư gan, phổi, một số khác là dạ dày, vòm họng, máu, xương… Trưởng Trạm Y tế xã Phú Châu Nguyễn Công Sửu cho biết, chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào của cơ quan chức năng về hiện tượng bất thường này ở địa phương để người dân biết mà phòng tránh. Song theo phỏng đoán của đại đa số người dân cũng như ý kiến của Trưởng Trạm Y tế Nguyễn Công Sửu và Chủ tịch xã Dương Văn Hòa thì "thủ phạm" chính là do ô nhiễm nguồn không khí. "Hôm nào đúng chiều gió Đông nam thì khí độc từ nhà máy hóa chất bên TP Việt Trì (Phú Thọ) lại bay sang, bốc mùi nồng nặc khiến nhiều người váng đầu, buồn nôn. Những ngày thời tiết nồm, ẩm thấp thì mùi nặng như thuốc sâu. Sau những ngày như thế, rất nhiều người đã lăn ra ốm mà không rõ nguyên nhân" - ông Dương Văn Hòa tiết lộ. Cũng theo ông Hòa, nhân dân xã Phú Châu đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền đề nghị nghiên cứu làm rõ vấn đề, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồi âm. Theo Trưởng Trạm Y tế Nguyễn Công Sửu, một vấn đề đáng quan tâm khác là khoảng gần 80% người dân Phú Châu vẫn dùng nước giếng khoan trực tiếp không qua lắng lọc. Trong bối cảnh ô nhiễm như hiện nay thì đây cũng là một nguyên nhân tác động đến sức khỏe con người.

Trong khi hàng nghìn người dân Phú Châu như ngồi trên đống lửa thì khi chúng tôi đặt lịch làm việc với lãnh đạo Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì về vấn đề này, đều nhận được câu trả lời là "bận họp, lịch làm việc cụ thể vào hôm khác". Trao đổi qua điện thoại, một lãnh đạo Phòng Y tế nói qua loa rằng, mẫu nước ở xã Phú Châu đang được mang đi xét nghiệm nhưng chưa có kết quả. Thiết nghĩ, sức khỏe con người là tối quan trọng, các cơ quan liên quan của huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội cần khẩn trương vào cuộc làm rõ nguyên nhân để người dân yên tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ người dân Phú Châu hết âu lo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.