(HNM) - Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao không có cách nào khác là phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).
Tuy nhiên, việc tiếp cận đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vay vốn, tiêu thụ sản phẩm… để phát triển NNCNC đang gặp những rào cản nên khó triển khai. Đây là ý kiến đưa ra tại hội nghị đóng góp vào dự thảo "Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội" diễn ra ngày 10-9 do UBND TP Hà Nội tổ chức.
Nông dân xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai trồng cây su hào theo công nghệ mới do Trạm Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn.Ảnh: Duy Kiên |
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ
Sản xuất nông nghiệp Hà Nội đã có những bước chuyển biến đáng kể, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chất lượng cao. Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển NNCNC, từ đó xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà đến nay những mô hình NNCNC của Hà Nội còn ít, sản phẩm ứng dụng NNCNC mới chiếm 10-15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Để thúc đẩy ứng dụng NNCNC, thành phố đang xây dựng, tiến tới ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư phát triển NNCNC giai đoạn 2015-2020. Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố; hoàn thành xây dựng 1 đến 2 khu NNCNC; có 10 doanh nghiệp NNCNC, 300 trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Huy Đăng, cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển NNCNC được triển khai trên tất cả lĩnh vực của ngành nông nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... Cụ thể, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mô hình NNCNC theo quy hoạch được hưởng mức ưu đãi cao nhất về đất đai theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ tối đa 70% kinh phí ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tổ chức, cá nhân khi mua công nghệ, giải pháp kỹ thuật sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ trực tiếp bằng 50% giá trị hợp đồng; hỗ trợ một lần 100% chi phí đào tạo kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao; được ưu tiên vay vốn từ Quỹ Khuyến nông, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố. Trường hợp không vay vốn tại các quỹ trên mà vay vốn ngân hàng thương mại sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất theo mức lãi suất ngân hàng và nhiều chính sách ưu đãi vay vốn khác. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mô hình NNCNC còn được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGap…
Rào cản cũng không ít
Mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng nhiều ý kiến của các chuyên gia ngành nông nghiệp, lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp và địa phương cho rằng mục tiêu phát triển NNCNC của Hà Nội khó khả thi.
Dưới giác độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Cử, Giám đốc Công ty Chăn nuôi Việt Hưng cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực nhạy cảm rủi ro cao nên khả năng tiếp cận nguồn vốn khó. Do đó, chính sách hỗ trợ cần tập trung vào các tiêu chí như: đầu tư thiết bị, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xử lý môi trường, tiêu thụ sản phẩm… Theo ông Cử, để xây dựng trang trại chăn nuôi ổn định, quy mô vừa phải chi phí đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, còn nếu xây dựng trang trại đáp ứng chăn nuôi theo NNCNC cần khoảng 140-150 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến nguồn vốn đầu tư cho giống, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… nên vượt khả năng của doanh nghiệp. "Thực tế, có rất nhiều chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng DN không tiếp cận được do thủ tục rườm rà. Vì vậy, nếu không xây dựng các chính sách hỗ trợ sát thực tế thì mọi thứ sẽ là trên giấy tờ" - Ông Cử trăn trở.
Ngoài khó khăn về nguồn vốn, nhiều ý kiến băn khoăn về tiêu chí môi trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm NNCNC. Theo ông Bùi Đại Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Giống gia súc Hà Nội, một trong những tiêu chí đầu tiên của sản phẩm NNCNC là phải an toàn nên môi trường sản xuất phải sạch. Song chi phí cho xử lý môi trường trong chăn nuôi khá lớn, thành phố nên xem xét đầu tư 100% hạ tầng, thiết bị máy móc xử lý môi trường tại khu NNCNC, DN sẽ lo vận hành và bảo dưỡng. Bên cạnh đó, vấn đề tiêu thụ sản phẩm NNCNC cần được chú ý đặc biệt. Sản xuất theo NNCNC sẽ tạo ra nguồn hàng hóa, sản phẩm lớn, nếu không tính toán kỹ sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, cung vượt cầu sẽ gây ảnh hưởng kinh tế lớn. “Nếu không có phương án tiêu thụ sản phẩm khả quan sẽ không thu hút được doanh nghiệp tham gia. Khi sản xuất ra khối lượng lớn, Hà Nội nên hướng tới xuất khẩu chứ không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa, kèm theo đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể…". Ông Đỗ Văn Thuận - Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) góp ý.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.