Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ hoạt động trở lại?

Chí Đạo - Đức Hải| 05/06/2010 07:38

(HNM) - Hết cho phép hoạt động, rồi lại tạm dừng để chờ đợi các ngành chức năng của thành phố kiểm tra, đánh giá xem có đủ điều kiện hoạt động trở lại hay không. Đó là thực tế diễn ra tại khu xử lý rác thải núi Thoong (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Đã gần một năm trôi qua,

Những tấm lót chống thâm nhập ngoại đắt tiền tại khu xử lý rác núi Thoong bị rách nát. Ảnh: Đức Hải


Khốn khổ cảnh "ăn đong"
Đầu tháng 6 này, có mặt tại khu xử lý rác thải núi Thoong, phóng viên Hànộimới không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh hoang tàn sau gần một năm tạm dừng hoạt động. Đầu lối vào bãi rác, người dân địa phương dựng lán cắt cử người ngăn không cho xe chở rác vào khu xử lý. Cả một khu vực rộng chục hécta hầu như bị bao trùm bởi cỏ dại um tùm. Hố chôn rác số 3 có kinh phí đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, với những tấm lót chống thấm HDPE (vật liệu nhập từ nước ngoài) bị rách toang nhiều chỗ vì đất sạt lở… Chứng kiến cảnh này, ai cũng phải xót xa vì tiền của đầu tư đành tạm để phơi mưa, phơi nắng mà chưa phát huy được hiệu quả như mục đích ban đầu. Khu xử lý rác thải núi Thoong phải tạm dừng tiếp nhận rác thải đến cả năm trời nay, vì phải còn chờ các ngành chức năng của thành phố kiểm tra, đánh giá.

Trong khi đó, vì không có nơi tập kết và xử lý rác thải của địa phương, Công ty Môi trường đô thị (MTĐT) Xuân Mai, đơn vị đảm nhiệm việc thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện Chương Mỹ phải tạm thời tập kết rác thải về trụ sở công ty. Ông Nguyễn Ngọc Oanh, Giám đốc công ty chỉ vào đống rác thải trong khuôn viên bức xúc: "Hàng trăm tấn rác này chúng tôi phải tạm tập kết về đây do không có chỗ tiếp nhận xử lý. Khu xử lý rác thải Xuân Sơn (Sơn Tây) tạm ngừng tiếp nhận vì bị người dân ngăn cản. Mà dù đã hoạt động trở lại, nhưng do khu xử lý này đang quá tải nên cũng không thể tiếp nhận hết được rác của các địa phương lân cận. Còn khu xử lý rác Nam Sơn (Sóc Sơn) cũng chỉ tiếp nhận được phần nào". Theo ông Oanh, đây cũng chỉ là biện pháp giải quyết tình thế, không thể kéo dài mãi. Tất cả vẫn đang chờ quyết định cuối cùng của thành phố về "số phận" của khu xử lý rác thải núi Thoong.

Mòn mỏi trông chờ
Ngày 13-3-2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành Quyết định số 430/QĐ-UBND thu hồi 20.000m2 đất tại Hủm Ráy, núi Thoong trên địa bàn xã Tân Tiến, chuyển mục đích sử dụng đất, giao cho Công ty MTĐT Xuân Mai để thực hiện dự án chôn lấp rác thải có kiểm soát. Theo thiết kế, khu xử lý rác thải núi Thoong gồm: 2 hố chôn rác và 1 hố thu nước rỉ chung được đưa vào vận hành trong quý I-2007. Hố chôn rác số 1 vận hành tốt, đã đóng bãi và không xảy ra sự cố gì, với lượng rác được tiếp nhận gần 27.000 tấn. Nhưng ngày 10-7-2008, sự cố đã xảy ra ở hố chôn rác số 2 khi mới chỉ tiếp nhận khoảng 300 tấn rác thì gặp trận mưa lớn dẫn đến vỡ bờ mương phong tỏa nước mặt, nước mưa tràn vào hố số 2, nên xảy ra sự cố thủng đáy hố do áp lực nước làm thủng hang castơ (hang động ngầm, cấu trúc rỗng, được hình thành trong quá trình đá vôi bị nước xâm thực lâu ngày). Sự việc này gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân địa phương dựng lều lán, tập trung đông dân ngăn chặn không cho xe tập kết rác về núi Thoong. Ngay sau khi xảy ra sự cố nêu trên, Công ty MTĐT Xuân Mai đã thực hiện ngay các biện pháp xử lý khẩn cấp múc toàn bộ rác ở hố số 2 lên bờ; xử lý lại đáy bằng biện pháp xây lấp đá hộc và ghép tấm bê tông vị trí mạch nước, cũng như xử lý toàn bộ đáy hố; đào 2 hố thu nước rỉ mới tại hang Lợn, thu toàn bộ nước rỉ bằng phương pháp bơm hiếm khí và hóa chất khử trong micromic để lắng lọc và tự trào.

Tháng 8-2008, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Chương Mỹ hoàn thiện các thủ tục, phương án xử lý sự cố. Kinh phí đầu tư dự án khắc phục sự cố là 6,5 tỷ đồng. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư là UBND huyện Chương Mỹ đã ký hợp đồng thuê Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh hóa học) tư vấn và giám sát, đồng thời thành lập tổ giám sát cộng đồng có đại diện chính quyền, nhân dân tham gia. Việc tổ chức giám sát thi công và nghiệm thu công trình được thực hiện theo đúng quy định. Tháng 6-2009, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng Hà Nội đã đồng ý tiếp tục đưa khu xử lý rác thải núi Thoong vào quản lý và vận hành.

Tuy nhiên, vừa đi vào vận hành đã vấp phải sự ngăn cản quyết liệt của một số hộ dân xã Tân Tiến từ đó đến nay. Theo họ, ô chôn lấp rác không bảo đảm vệ sinh môi trường, vì nghi ngờ là nằm trên hang castơ. Do đó, đề nghị đóng cửa vĩnh viễn khu xử lý rác thải này. Để đánh giá tác động đến môi trường của ô chôn lấp rác tại núi Thoong, UBND thành phố đã giao cho các sở, ngành liên quan vào cuộc kiểm tra, thẩm định và có báo cáo kết luận. Nhưng đến nay, qua gần một năm mà chưa đưa ra được kết luận cuối cùng. Trên thực tế đã có rất nhiều cuộc họp bàn, nhưng xem ra vẫn nhùng nhằng chưa có kết quả. Dư luận đang rất quan tâm, liệu khu xử lý rác thải núi Thoong có nằm trên hang castơ hay không. Và nếu điều đó là có thật, buộc phải đóng cửa vĩnh viễn khu xử lý rác thải này, thì đơn vị, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc thẩm định, phê duyệt dự án để lãng phí hàng chục tỷ đồng của Nhà nước mà không đem lại hiệu quả?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ hoạt động trở lại?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.