Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ hết “chưa gắn...”?

Dân Biết| 25/04/2010 04:16

Chuyện: Thiếu và yếu là nhận định được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đưa ra tại hội thảo "Nhu cầu và kế hoạch tổng thể phát triển nhân lực CNTT Việt Nam" do Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (Vinasa) tổ chức cách đây chưa lâu.

Theo Vinasa, chất lượng nhân lực CNTT kém cả về ngoại ngữ lẫn chuyên môn.

Tại một hội thảo khác, đại diện các công ty CNTT hàng đầu như VDC, Vietsoftware, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm, Hội Tin học Việt Nam..., đều chung nhận định... như trên. Cho dù hiện cả nước có 235 cơ sở đào tạo có ngành liên quan đến CNTT, nhưng yếu kém về chất lượng vẫn là chuyện hằng ngày.

Tại sao lại như vậy?

Cách đây ít ngày, một cuộc "hội chẩn" nữa được thực hiện. Câu trả lời qua đó đã rất rõ ràng. Hiện nay, quy mô đào tạo CNTT bậc đại học đang tăng mạnh từng năm, tuy nhiên các trường khó tuyển dụng được người giỏi làm giảng viên, giáo viên. Việc nghiên cứu, dự báo phân tích nhu cầu và đào tạo lao động CNTT ở mọi cấp - từ quy mô quốc gia đến quy mô vùng, địa phương - chưa được thực hiện.

Trong khi đó, nguồn tài chính phục vụ phát triển nguồn nhân lực CNTT cũng như chương trình đưa tin học vào nhà trường "còn hạn chế". Môn tin học trong trường phổ thông (bắt buộc ở cấp THPT và tự chọn ở cấp THCS và tiểu học) hiện chỉ nặng về lý thuyết.

Cả chương trình đào tạo cũng như đội ngũ giảng viên... chưa sẵn sàng - đây là đánh giá của Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam. Kết quả chúng ta có gì: Đầu ra chất lượng kém, không kiểm soát được và... không thể kiểm soát.

Câu hỏi đặt ra: Đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội - mà không chỉ là câu chuyện của riêng lĩnh vực CNTT - hậu quả của nó như thế nào? Câu trả lời đã rõ. Xin dẫn thêm ví dụ khác: Trong một đợt tuyển dụng nhân sự, Hãng Intel (đóng tại TP Hồ Chí Minh) chỉ "chấm" được 40 người, trong khi nhu cầu lên tới 3.000 lao động. Rất nhiều ứng viên bị "chặn đứng trước cổng nhà máy" là kỹ sư tốt nghiệp trường lớn, như Đại học Bách khoa thành phố chẳng hạn.

Và chúng ta có vô số cử nhân, kỹ sư, công nhân... không xin nổi việc làm, bởi yếu tố chuyên môn; và rồi chúng ta có vô số cử nhân, kỹ sư, công nhân... làm trái ngành, trái nghề...

Vậy, bao giờ điệp khúc "chưa gắn..." mới chấm dứt?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ hết “chưa gắn...”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.