Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ hết cảnh sống chung với chất thải?

Nhật Anh| 09/02/2011 06:11

(HNM) - Xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ hiện có 50 hộ làm nghề chế biến tinh bột sắn, trong đó có 30 hộ sản xuất bằng máy, với công suất 2 tấn/máy/ngày. Nghề phụ đã mang lại nguồn thu lớn cho người dân và giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động địa phương.

Ngoài ra còn có hàng tấn bã sắn sau khi chế biến được các hộ tận dụng, phơi khô bán cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc và những hộ nuôi lợn.

Bã sắn phơi khắp nơi.

Tuy nhiên, toàn bộ nước thải, chất thải rắn từ quá trình chế biến tinh bột, chăn nuôi gia súc ở xã Liên Hiệp đều không được xử lý, các hộ xả trực tiếp vào hệ thống kênh, rãnh lộ thiên trong khu dân cư. Do lượng chất thải nhiều, không tiêu thoát hết, hệ thống kênh, rãnh bị ngập ứ, chuyển thành màu đen, mùi hôi thối lan xa theo gió rất khó chịu. Hiện tại, môi trường cả 10 cụm dân cư của xã Liên Hiệp đều bị ô nhiễm nghiêm trọng và các ao hồ trong xã không thể nuôi thả cá. Ông Đặng Văn Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phúc Thọ cho biết: Huyện đã có văn bản đôn đốc xã Liên Hiệp tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và yêu cầu các hộ sản xuất, kinh doanh ký cam kết không gây ô nhiễm môi trường; thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm, ngăn chặn kịp thời hành vi xả nước thải, chất thải bừa bãi. Lãnh đạo huyện cũng yêu cầu xã quy hoạch quỹ đất và đầu tư kinh phí xây dựng các điểm công nghiệp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để sớm chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh ra khỏi khu dân cư…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Từ Tất Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Lãnh đạo xã đã cử cán bộ đi tìm hiểu mô hình xử lý nước thải, chất thải ở một số làng nghề, điểm công nghiệp trên địa bàn thành phố…, nhưng chưa tìm được mô hình phù hợp với địa phương. Trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2015, xã Liên Hiệp đã quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề với diện tích 5ha tại khu đầm Lươn. Trước mắt, năm 2011, xã sẽ cải tạo, nâng cấp hệ thống cống rãnh thoát nước, nạo vét một số ao hồ lớn. Song, vấn đề khó khăn nhất hiện nay của địa phương là kinh phí. Bởi lẽ, để cải tạo được hệ thống thoát nước thải của xã, kinh phí lên tới hàng tỷ đồng, ngân sách địa phương không thể đáp ứng được. Nên chăng xã cần huy động sức dân, đóng góp cho công trình công ích chung này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ hết cảnh sống chung với chất thải?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.