(HNM) - Hàng chục năm nay, để giảm thời gian, chi phí cho việc vận chuyển nông sản và tiện sinh hoạt, người dân xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) đã chọn con đường ngắn nhất, đi "đò dây" qua sông Nhuệ sang xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì), men theo đê vào nội thành Hà Nội.
“Đò dây” chở khách tại bến đò Đan Thầm. |
Chúng tôi đến Mỹ Hưng đã gần chính ngọ nhưng vẫn thấy ông Nguyễn Mạnh Đại - người chở đò tại bến sông thuộc địa phận thôn Quảng Minh lúi húi nhặt những chiếc chai, lọ, hộp nhựa trôi trên sông. Chưa kịp cất tiếng gọi, từ phía bên kia bờ thuộc đất Mỹ Hưng, ông Đại lên tiếng: "Đợi chút, tôi sang ngay. Đường dốc, dắt xe cẩn thận đấy!". Nói rồi ông đứng nhanh dậy, nắm tay vào dây lưới - sợi dây nối hai bờ tả, hữu sông để di chuyển đò - bởi thế mà gọi là "đò dây". Biết khách mới đi, ông Đại nhắc nhở: "Các cháu ngồi cẩn thận kẻo ngã".
Mặc dù là bệnh binh nhưng cuộc sống khó khăn, đông con nên ông Đại theo nghề từ khi rời quân ngũ. "Năm nay là năm thứ 23 tôi làm nghề này, trước đó bố đẻ tôi cũng làm khoảng 20 năm. Do bến này ít khách (chủ yếu là khách trong thôn) nên mỗi ngày cũng chỉ nhặt nhạnh được vài ba chục nghìn. Ngày mưa bão thì nghỉ vì không có khách"- ông Đại bộc bạch. Ngoài chở đò, ông Đại làm thêm nghề thu lượm phế liệu trên sông, mỗi ngày cũng được dăm, bảy nghìn đồng.
Cách bến đò Quảng Minh 1km là bến đò Đan Thầm. Trước đây, thôn Đan Thầm có hai bến, nhưng nay dồn về một nên bến Đan Thầm tấp nập hơn bến khác, mỗi ngày đón, đưa 500 đến 600 lượt khách qua sông. Chị Lý Thị Bình, một trong bốn hộ chở đò tại bến Đan Thầm thổ lộ, gia đình có thâm niên 18 năm chở "đò dây". Chở đò vất vả, nhất là vào mùa mưa, nước lên cao, chảy xiết. Trong 4 hộ chở đò tại bến Đan Thầm, gia đình chị Lý Thị Bình có hoàn cảnh khó khăn nhất. Chồng chị bị tai nạn lao động, việc đi lại phải nhờ đôi cáng. Vậy là, một mình chị vừa chở đò, vừa làm một mẫu ruộng và nuôi hai con ăn học. Thu nhập không cao nhưng ổn định, mỗi ngày cũng kiếm được 100 đến 200 nghìn đồng, đủ cho sinh hoạt và mua thuốc chữa bệnh cho chồng.
Mỹ Hưng còn có bến đò Thạch Nham. Tại bến đò này, ông Hoàng Xuân Thường là thương binh cũng gắn bó với nghề chở đò hàng chục năm nay. Hằng ngày, những người chở đò phải dậy rất sớm, từ 2-3 giờ sáng và phục vụ đến khi không còn người qua lại. Vì miếng cơm, manh áo nên bất kể khuya sớm, mưa nắng... cứ có khách là đi.
Những con đò ở Mỹ Hưng được làm thô sơ, chỉ là bê tông cốt sắt. Mặt đò làm bằng những mảnh gỗ nhỏ ghép lại. Giá trị mỗi con đò mới khoảng 3,5 đến 5 triệu đồng. Sau 8-10 năm sử dụng mới phải sửa chữa. Đáng nói, hầu hết đò đều không có lan can, nếu có thì sơ sài, không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. "Từ Mỹ Hưng có nhiều tuyến đường để vào nội thành, nhưng chỉ đi "đò dây" qua sông Nhuệ là ngắn nhất. Vả lại, chi phí đi đò rẻ (1-2 nghìn đồng/lượt)" - anh Nguyễn Văn Hưng, thôn Đan Thầm cho biết.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, xã Mỹ Hưng đã đề nghị UBND TP Hà Nội xây dựng cho địa phương một cây cầu qua sông Nhuệ. Ông Đào Xuân Phái, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng cho biết, tháng 11 năm 2010, UBND TP đã có văn bản đồng ý đầu tư xây dựng cho xã Mỹ Hưng một cây cầu dân sinh. Vị trí và quy mô cầu, TP đã giao cho UBND huyện Thanh Oai làm chủ đầu tư nghiên cứu, đề xuất và thực hiện bằng nguồn vốn của TP. "Chủ trương xây cầu cho xã đã có nhưng không biết đến bao giờ người dân Mỹ Hưng mới có cầu để đi" - ông Đào Xuân Phái băn khoăn.
Mỹ Hưng là xã nghèo, 1.350 hộ thì có tới 29,1% số hộ thuộc diện nghèo theo chuẩn mới. Nguồn thu chính của người dân vẫn từ sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ. Kinh tế khó khăn dẫn đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ. Xây cho xã một cây cầu qua sông Nhuệ là cần thiết, vừa rút ngắn khoảng cách từ xã lên trung tâm Hà Nội, vừa thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.