Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ có vắc xin Covid-19 ''made in Việt Nam''?

Thu Trang| 30/09/2020 12:39

(HNMO) - Ngày 30-9, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức PATH và Đại sứ quán Anh tổ chức hội thảo giới thiệu vắc xin phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam. Cùng với việc tăng cường tiếp cận vắc xin Covid-19 trên thế giới, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc xin "made in Việt Nam".

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội thảo.

187 loại vắc xin Covid-19 đang được nghiên cứu

Theo Bộ Y tế, đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 32 triệu trường hợp mắc, gần 1 triệu trường hợp tử vong do Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân Covid-19 hồi phục là hơn 23 triệu, còn 7 triệu bệnh nhân đang điều trị, trong đó gần 65.000 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch.

Tại hội thảo, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong cuộc chiến chống Covid-19 giai đoạn vừa qua, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự đồng lòng của toàn thể nhân dân, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Từ ngày 3-9 cho đến nay, các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương. Hiện đã bước sang ngày thứ 28 liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

"Trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các nhà sản xuất, các cơ quan nghiên cứu và các quốc gia đang ưu tiên và nỗ lực hết mình "chạy đua" nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng Covid-19. Từ đó, để có vắc xin cung ứng sớm nhất cho thị trường, góp phần ngăn chặn, khống chế, kiểm soát dịch, đưa cuộc sống trở về bình thường", ông Nguyễn Thanh Long nói.

Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 24-9, có 187 loại vắc xin Covid-19 đang  được triển khai nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó có 38 vắc xin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng (gồm: 9 vắc xin thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III; 3 vắc xin trong giai đoạn II; 26 loại đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai giai đoạn I), 149 loại đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng.

Riêng tại Anh, việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19 đã đạt được bước tiến dài khi các loại vắc xin nước này sản xuất đang trong quá trình hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III và gần đến "vạch đích" bảo đảm cung ứng cho thị trường quốc tế.

"Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh có thể trao đổi và đạt được thỏa thuận trong việc cung ứng vắc xin Covid-19", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Toàn cảnh hội thảo.

Thúc đẩy nghiên cứu vắc xin Covid-19 "made in Việt Nam"

Cùng với việc tăng cường tiếp cận vắc xin Covid-19 trên thế giới, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động triển khai các hoạt động về nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước.

Việt Nam là một trong 92 quốc gia tham gia chương trình "Giải pháp tiếp cận vắc xin Covid-19 toàn cầu" (COVAX Facility) và được Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) COVAX AMC cam kết hỗ trợ. Với mục tiêu cung ứng 2 tỷ liều vắc xin cho các quốc gia vào cuối năm 2021, cho khoảng 20% dân số của các quốc gia thành viên của COVAX Facility, Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận và được cung ứng sớm các vắc xin trong danh mục của COVAX AMC.

Là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc xin trên thế giới, hiện nay, Việt Nam cũng đang thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắc xin để có vắc xin "made in Viet Nam" cho người Việt Nam. Bộ Y tế đã chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước tăng cường các hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc xin.

Hiện nay, Việt Nam có 4 nhà sản xuất vắc xin Covid-19 là: Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN.

Các đơn vị này đang nỗ lực, tập trung các nguồn lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19. Dự kiến, trong năm 2021 sẽ có ít nhất một nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm vắc xin lâm sàng giai đoạn II, III tại Việt Nam.

Ngoài các nguồn vắc xin nêu trên, Việt Nam cũng đang tích cực tìm kiếm các nguồn vắc xin khác thông qua tiếp cận, trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài. Mặt khác, Bộ Y tế cũng chuẩn bị các căn cứ pháp lý để thúc đẩy các thủ tục thử nghiệm, cấp phép đăng ký lưu hành đối với vắc xin Covid-19. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị rút ngắn toàn bộ quy trình hành chính. Tuy nhiên, các quy trình về chuyên môn, khoa học thì phải tuân thủ tuyệt đối, để đạt được mục tiêu vừa sớm có vắc xin, vừa bảo đảm được chất lượng, hiệu quả của vắc xin.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ có vắc xin Covid-19 ''made in Việt Nam''?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.