Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ có tiếng nói chung?

Chí Đạo -Đào Huyền| 03/12/2010 08:20

(HNM) - Nâng cao giá trị, mở rộng thị trường, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đang là bài toán đặt ra cho các địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân.


Chăm sóc gia cầm tại HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông. Ảnh: Bá Hoạt

Hiện nay, thành phố Hà Nội có 3.207 trang trại, trong đó nhiều nhất là trang trại chăn nuôi với 1.223 trang trại, tiếp đến là trang trại thủy sản với 603 trang trại. Trong sản xuất, kinh doanh, trang trại chăn nuôi đạt doanh thu 500 triệu đồng/năm; trang trại tổng hợp đạt 544 triệu đồng; trang trại thủy sản đạt 200 triệu đồng… Về HTX, trong gần 1.000 HTX nông nghiệp, mới có 55 HTX đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong đó có 24 HTX rau an toàn, 11 HTX gia cầm, 7 HTX thủy sản, 2 HTX hoa, quả, còn lại là HTX dịch vụ nông nghiệp kết hợp sản xuất giống cây trồng, chế biến nông sản. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đặt ra hiện nay là hoạt động liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa HTX và trang trại với doanh nghiệp (DN), cơ quan khoa học còn hạn chế, mới có 9 HTX và 1 trang trại liên kết theo hai hình thức cơ bản. Hình thức thứ nhất là hợp đồng mua giống, vật tư, kỹ thuật của doanh nghiệp được thực hiện ở các HTX, trang trại chăn nuôi, sản xuất rau an toàn… Trên cơ sở nhu cầu phát triển chăn nuôi của xã viên, ban chủ nhiệm HTX lên kế hoạch mua giống, vật tư với từng hộ xã viên để thống nhất ký hợp đồng với các DN. Ở hình thức thứ hai, HTX, trang trại hợp đồng mua giống, vật tư, kỹ thuật và bán sản phẩm cho DN, cơ quan khoa học.

Tại hội thảo, các ý kiến đã "mổ xẻ" hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong liên kết "bốn nhà". Trong đó, vấn đề thu hút sự quan tâm là mối ràng buộc giữa HTX, trang trại và DN, cơ quan khoa học còn lỏng lẻo. Khi xảy ra rủi ro ngoài mong muốn như hạn hán, dịch bệnh, con giống không tốt… nông dân là người chịu thiệt đầu tiên. Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông Trần Văn Chiến nêu thực trạng, xã viên ký hợp đồng với DN để tổ chức chăn nuôi công nghiệp, đổ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng đến khi xảy ra dịch bệnh DN "ngại" không đầu tư con giống, vật tư nên trang trại đóng cửa, nông dân gặp khó khăn. Trong khi ông Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm HTX Đồng Phú (Chương Mỹ) băn khoăn về những hợp đồng kinh tế ký kết giữa HTX, trang trại và DN. Theo ông Hải, khi nông sản rẻ, người dân bán cho DN, nếu đắt thì tiêu thụ ở ngoài hoặc xảy ra tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa nên cả hai bên phải chia sẻ trách nhiệm khi giá cả thị trường có biến động. Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương, liên kết "bốn nhà" đang gặp nhiều khó khăn, quy mô diện tích, sản lượng thu mua theo hợp đồng còn thấp; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất chưa đồng bộ dẫn tới năng suất, chất lượng nông sản chưa cao, chưa chú trọng đầu tư phát triển cơ sở chế biến tăng giá trị nông sản, tạo nguồn ổn định cho tiêu thụ… Đặc biệt là các trang trại chưa đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hướng chuyên canh; công tác dồn điền đổi thửa diễn ra chậm, gây khó cho công tác tích tụ ruộng đất, sản xuất lớn.

Quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến


Trong định hướng phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản liên kết "bốn nhà", nhiều đại biểu cho rằng phải có quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, sản xuất tập trung gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chủ nhiệm HTX Phú Phương (Ba Vì) Nguyễn Văn Vượng phân tích: "Quan trọng nhất trong quy hoạch là sản xuất, chế biến nhất thiết phải đi kèm với thị trường và cơ quan quản lý nhà nước cũng cần làm tốt công tác quản lý thị trường để tiêu thụ sản phẩm được ổn định, bền vững". Ngoài ra, một đại diện Chi cục Thủy sản cũng cho rằng, phải từng bước chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi để giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Hiện sản xuất, cung cấp thức ăn chăn nuôi vẫn phần lớn do công ty nước ngoài độc quyền nên không thuận lợi về giá cả, lượng xuất bán ra thị trường.

Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thừa nhận liên kết "bốn nhà" còn lỏng lẻo, người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân. Vẫn còn tình trạng cả doanh nghiệp và nông dân đều chạy theo lợi nhuận của riêng mình khi thị trường biến động không có lợi. Có thực trạng này là do quy định chưa chặt chẽ, chưa khả thi và không mang tính răn đe. Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; triển khai hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản và quảng bá xúc tiến thương mại cho các DN nhằm đẩy mạnh xuất khẩu; xây dựng các sàn giao dịch để tăng cường các mối quan hệ hợp đồng trong tiêu thụ sản phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ có tiếng nói chung?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.