Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ có người chịu trách nhiệm?

Dân Biết| 21/03/2010 06:01

Chuyện: Thành phố Hồ Chí Minh hiện có nhiều công trình, dự án trọng điểm, cấp bách, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, chống ngập nước, bị chậm tiến độ.

Chẳng hạn, dự án Liên tỉnh lộ 25B - tuyến đường quan trọng, nối xa lộ Hà Nội với cảng Cát Lái (quận 2), nơi có lượng hàng hóa trung chuyển hằng năm rất lớn - hiện vẫn án binh bất động do không có mặt bằng. Kết quả, ách tắc giao thông diễn ra triền miên.

Một trường hợp khác là dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nếu đúng tiến độ, dự án này sẽ cải thiện tình trạng môi trường, ngăn chặn thiệt hại... nước ngập, cũng như xóa được nhiều điểm ngập tồn tại lâu nay. Chỉ có điều, quá trình thực hiện vẫn ì ạch dù đã ba lần được đối tác cho vay vốn gia hạn thời gian vay. Kết quả, người dân phải chịu đựng cảnh ách tắc, ngập nước trầm trọng hơn do hiện trạng vốn có và do xuất hiện thêm hàng chục "lô cốt" phát sinh từ dự án.

Trong khi đó, dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn cũng không khá hơn dù đã được triển khai gần 7 năm. Hiện dự án có số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng này vẫn ngổn ngang. Kết quả, mỗi khi có triều cường, người dân lại phải thực hiện chính sách "vườn không, nhà trống".

Ở thành phố Hồ Chí Minh, nếu ách tắc giao thông gây thiệt hại lên tới 14 nghìn tỷ đồng mỗi năm (theo tài liệu nghiên cứu của Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh) thì thiệt hại do ngập lụt cũng xấp xỉ con số này (theo nhóm thực hiện dự án "Quy hoạch chi tiết tuyến đê bao phục vụ chống ngập úng khu vực thành phố").

Câu hỏi đặt ra: 28 nghìn tỷ đồng là tổng thiệt hại do ách tắc giao thông và úng ngập hằng năm tại thành phố lớn nhất, hiện đại nhất cả nước. Thiệt hại lẽ ra đã không lớn như thế nếu như các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm hoàn thành đúng tiến độ.

Chậm tiến độ, không chỉ làm vốn đầu tư tăng, gây lãng phí, thất thoát mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sức khỏe con người. Thực trạng này diễn ra không chỉ ở riêng thành phố Hồ Chí Minh mà cả nước. Chắc chắn nó sẽ còn kéo dài và trầm trọng hơn khi hầu như không có ai phải chịu trách nhiệm.

Nếu có người "giơ đầu chịu báng", liệu có tình trạng chậm tiến độ bừa bãi, tràn lan được không?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ có người chịu trách nhiệm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.