(HNM) - Có lẽ không chỉ người kinh doanh du lịch, mà cả nhà quản lý văn hóa - du lịch đều mong muốn
Hội làng Mọc Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai. Ảnh: Bá Hoạt |
Lễ hội ở Việt Nam phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại, dày đặc về mật độ là tiềm năng lớn để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc biệt là du lịch văn hóa gắn với tín ngưỡng, tôn giáo. Theo thống kê của Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở (Bộ VH-TT&DL), cả nước hiện có 8.902 lễ hội, trong đó có 7.005 lễ hội dân gian truyền thống, 1.399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng, 25 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào... trong đó ít nhất có 24 tỉnh, thành phố có từ 100 lễ hội trở lên. Điều đáng nói, cùng với quá trình bảo tồn vốn cổ thì số lượng các lễ hội của Việt Nam chưa dừng lại ở đây.
Đây chính là tiền đề quan trọng góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm của du lịch Việt Nam. Hơn nữa, chính sự phát triển của du lịch cũng góp phần rất quan trọng trong việc bảo tồn các lễ hội truyền thống cũng như khôi phục một số lễ hội đã bị mai một của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của lễ hội (cũng như mọi giá trị văn hóa khác), tạo thành những sản phẩm du lịch có giá trị, còn nhiều việc phải làm. Trước hết, cần có một công trình nghiên cứu khoa học mang tính tổng thể về lễ hội truyền thống, trong đó những người làm công tác nghiên cứu văn hóa phải chỉ ra được những giá trị tích cực của lễ hội. Hay nói cách khác, họ phải rạch ròi đâu là tín ngưỡng văn hóa dân gian, đâu là mê tín dị đoan, đâu là những giá trị vốn có, đâu là những yếu tố lai tạp, vay mượn, chắp vá... trong một lễ hội. Từ đó, những người làm du lịch lựa chọn cái nào có thể biến thành sản phẩm phục vụ đối tượng khách nào, vào thời điểm nào, ở đâu và như thế nào. Ngược lại, sự lựa chọn của người làm du lịch có tiếng nói của giới nghiên cứu, người làm văn hóa với vai trò "phản biện" sẽ làm cho sản phẩm chất lượng hơn. Một lần nữa, sự kết hợp giữa các "nhà" lại được đặt ra.
Song trên thực tế, mối quan hệ này hiện nay hết sức lỏng lẻo, bản thân nhà quản lý cũng chưa đưa ra một sáng kiến đặc biệt nào trong vấn đề này. Có chăng mới chỉ dừng lại ở việc mạnh ai người ấy làm giữa các công ty lữ hành với một địa phương nào đó, mà cũng chỉ là gợi ý đưa vào tour thuần túy chứ chưa được coi là điểm nhấn của một chương trình du lịch. Một khía cạnh khác trong việc "biến" các lễ hội du lịch trở thành sản phẩm văn hóa chính là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Không chỉ sinh viên chuyên ngành, mà đội ngũ hướng dẫn viên cũng cần phải thường xuyên được bổ sung, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp vì họ chính là những "người chèo đò" trong con thuyền văn hóa lễ hội. Song đến nay, ngoài quản lý bằng thẻ hành nghề - một biện pháp thuần túy hành chính, chưa có một chương trình đào tạo, bài bản chuyên sâu về lĩnh vực này. Do vậy, không ít trong số họ còn rất thiếu những thông tin về lễ hội, chưa có kiến thức sâu về danh lam thắng cảnh, văn hóa, về đất nước và thực tế có người hiểu sai lệch. Điều đáng nói, trước khi lễ hội diễn ra hàng tháng, địa phương nào cũng tổ chức các cuộc họp liên ngành kết hợp tổ chức lễ hội, song hiếm thấy nội dung nào liên quan đến hướng dẫn viên du lịch.
Một điều khiến nhiều người "dị ứng" là tình trạng "sân khấu hóa" các điển tích liên quan đến lễ hội, nhất là các điển tích thuộc về sự tích, nguồn gốc của lễ hội. Với những kịch bản không khác nhau là mấy ở những lễ hội, nhất là lễ hội lớn, liên vùng cùng với dàn diễn viên chuyên nghiệp… lễ hội đã biến thành một sân khấu chắp vá. Trong khi đó, lễ hội là "sản vật" của người dân, ở đó họ xuất hiện với tư cách là "chủ trò". Sự tham gia của yếu tố chuyên nghiệp trong trường hợp này đã làm mất đi "chất của lễ hội". Vì rằng, tổ chức lễ hội là cách để các địa phương tôn vinh và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của chính mình. Và trong quá trình tham gia, người dân có cơ hội được hiểu biết hơn về mảnh đất đã sinh ra, nuôi dưỡng mình.
Những yếu tố trên cho thấy, muốn lễ hội trở thành một sản phẩm văn hóa, tham gia vào quá trình phát triển du lịch cần một chuỗi các chính sách đồng bộ, liên ngành. Trong đó, trước hết vẫn là động thái tích cực từ cơ quan quản lý trong việc phối hợp các nhà "nhà quản lý, nhà kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch, nhà văn hóa". Ở mối quan hệ này, cần xác định vai trò "chủ trò" là nhà quản lý, đồng thời phải hài hòa lợi ích của các bên trong quá trình xúc tiến du lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.