(HNM) - Tốc độ tăng ngân sách đầu tư không theo kịp với đà tăng quy mô đào tạo của các trường ĐH, CĐ, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo. Đó là nhận định chung của Bộ GD-ĐT cũng như các trường trong một cuộc đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị trong các trường khối công lập gần đây.
Chỉ có 1,4% phòng thí nghiệm xứng tầm
Theo ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ GD-ĐT), chỉ tính riêng về khía cạnh đất đai, bình quân diện tích đất cho 1 SV là quá thấp, khoảng 35,7m2 so với tiêu chuẩn tối thiểu là 55 m2/SV. Đánh giá về chất lượng diện tích, ông Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học, cho rằng: Đa phần các ĐH của Việt Nam có tỷ lệ lớp học thông thường chiếm rất cao, trên 60%, trong khi tiêu chuẩn chỉ là 20-25%. Điều này rất đáng báo động bởi như vậy tỷ lệ những lớp học chức năng (có thiết bị) là rất thấp, khiến cho cơ sở hạ tầng các "trường ĐH Việt Nam có cấu trúc như một trường phổ thông cấp 4". Hai khu chức năng quan trọng khác là khu ở SV và khu thể dục thể thao hầu như thiếu vắng ở các trường trong khu vực Hà Nội.
Sinh viên làm thí nghiệm tại Phòng Thí nghiệm công nghệ viễn thông của Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Bùi Tuấn |
Tỷ lệ phòng thí nghiệm so với phòng học và giảng đường hiện nay là rất thấp, 13,02%, diện tích sử dụng trung bình cho 1 SV chỉ là 0,53m2 so với tiêu chuẩn thiết kế hiện hành là 1,4m2. Đáng lưu ý, về chất lượng thiết bị, chỉ có 22,5% phòng thí nghiệm được đánh giá có chất lượng tốt; 1,4% phòng thí nghiệm được đánh giá tương đương các phòng thí nghiệm của các trường ĐH trên thế giới. Các khảo sát cũng cho thấy, trong một số trường, hầu hết các phòng thí nghiệm có yêu cầu đặc biệt về môi trường chưa được trang bị thiết bị đặc thù như xử lý chất thải, tủ hút hơi độc, tủ đựng quần áo đặc biệt, ống thoát hơi độc, buồng tắm... Đại diện Bộ GD-ĐT thừa nhận: Với tình trạng trên, SV Việt Nam khó có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại, ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận công việc sau khi ra trường.
Trong số hơn 855.000 SV đang theo học hệ chính quy tập trung thì chỉ có 19,5% đang ở trong ký túc xá của các trường. Với Hà Nội, con số này là 17,4%, mức thấp nhất trong cả nước. Số SV tự thuê nhà ở ngoài lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của SV cũng như việc quản lý SV của nhà trường.
Đặc biệt, theo ông Trần Duy Tạo, còn rất nhiều trường thiếu hoặc không có thư viện, có thể nói đây là "tình trạng báo động với giáo dục ĐH, trong khi các trường ĐH trên thế giới luôn coi thư viện là linh hồn, là trái tim của một trường ĐH". Chỉ có chưa đầy 39% thư viện truyền thống có áp dụng tiêu chuẩn hiện có ở Việt Nam hoặc thế giới. Tỷ lệ này ở thư viện điện tử là trên 40%.
Chưa dễ khắc phục
Trước bức tranh toàn cảnh ảm đạm mà cuộc khảo sát quy mô lớn lần đầu tiên đã vẽ nên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người chỉ đạo thực hiện cuộc khảo sát, cho rằng: 5 năm nữa vẫn khó khắc phục được tình trạng này. Việc xây dựng cơ bản đạt chuẩn cần có 827 nghìn tỷ đồng, nếu thực hiện trong 5 năm thì ngân sách đầu tư tăng 118 lần, điều này là không thể, chúng ta phải tìm đột phá ở khâu quản lý.
Hiện Bộ GD-ĐT đang hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng các trường ĐH ở khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hướng tới khu ĐH tập trung của 2 thành phố này. Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đang phối hợp thực hiện quy hoạch đất cho giáo dục ĐH, đồng thời sẽ có danh mục đầu tư đột phá các trường ĐH trọng điểm. Một trong những đầu tư có tính đột phá là chương trình ký túc xá cho SV đang được triển khai để bảo đảm trong 7 năm nữa có 60% SV có chỗ ở trong ký túc xá.
Về phía các trường, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Giảng khẳng định: Bộ GD-ĐT cần phân cấp mạnh hơn cho các trường trong việc tổ chức mua sắm, đấu thầu và triển khai các dự án đầu tư về cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo nhằm tăng cường tính chủ động và tính tự chịu trách nhiệm.
Nhiều ý kiến đề xuất tăng cường việc sử dụng chung "tài nguyên", để tránh lãng phí giữa các cụm trường, khối trường. Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Cần đẩy nhanh việc thành lập hội đồng hiệu trưởng. Chỉ có các hiệu trưởng, trưởng khoa ngồi với nhau thì mới có thể đánh giá được thiết bị, chuẩn phòng thí nghiệm, có thể khai thác dùng chung đến đâu, mua chung thiết bị thế nào..., đồng thời giúp Bộ đưa ra một chuẩn chung cho các vấn đề liên quan tới cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo của từng khối trường. Hội đồng trường cũng có thể quyết định danh mục thiết bị này nên mua trong nước hay nước ngoài... Từ đó giải quyết bài toán quy mô đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.