Bạo động bùng phát và kéo dài 3 ngày ở thủ đô một trong những nước có mức sống cao nhất châu Âu.
Hàng trăm thanh niên đã đốt xe ôtô và tấn công cảnh sát cùng các nhân viên cứu hộ ở khu nhập cư nghèo suốt 3 đêm liên tiếp ở ngoại ô thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Đây là tình hình mất trật tự tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây của Thụy Điển.
Bạo động bùng phát từ ngày 19/5 ở khu ngoại ô Husby vốn có đông người nhập cư.
Hôm 21/5, đồn cảnh sát ở khu vực Jakobsberg ở phía Tây Bắc của Stockholm bị tấn công, hai trường học bị hư hại, một trung tâm nghệ thuật và làng nghề thủ công bị đốt cháy, bất chấp lời kêu gọi kiềm chế từ Thủ tướng Fredrik Reinfeldt.
“Chúng ta sẽ không cho phép một nhóm thanh niên trẻ đang sử dụng bạo lực để gây rối loạn xã hội. Họ nghĩ rằng, họ có thể thay đổi mọi thứ bằng bạo lực và họ làm những gì mình muốn. Nhưng ở Thụy Điển, chúng ta đã nhất trí một cách dân chủ rằng, pháp luật được áp dụng cho tất cả mọi người và cảnh sát phải đảm bảo pháp luật được thực thi”- ông Fredrik Reinfeldt nói.
Ảnh: Reuters |
Vụ bạo động được cho rằng xuất phát từ việc một cảnh sát bắn chết một người đàn ông 69 tuổi mang theo dao bị cáo buộc có hành vi hành hung cảnh sát.
Bạo động đã gây ra một cú sốc lớn đối với người dân nơi đây khi trong một thời gian dài Thụy Điển được xem như là một đất nước yên bình.
Cuộc bạo động làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc Thụy Điển sẽ đối mặt thế nào với cả tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ và làn sóng nhập cư hiện nay.
Là một trong những nước có mức sống cao nhất ở châu Âu, Chính phủ Thụy Điển đã thất bại trong việc giảm một lượng đáng kể thanh niên thất nghiệp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến dân nhập cư.
Đảng cánh tả cho rằng các vụ bạo động đã thể hiện sự bất lực trong những chính sách của Thụy Điển mà nổi cộm lên là khu nhà ổ chuột ở ngoại ô.
Khoảng 15% dân số ở Thụy Điển sinh ở nước ngoài, tỷ lệ cao nhất trong khu vực Bắc Âu. Tỷ lệ thất nghiệp trong số những người dân nhập cư ở mức 16%, so với 6% dân bản địa, theo số liệu của OECD.
Trong 44 nước công nghiệp hóa Thụy Điển là nước đứng thứ 4 về số người dân nhập cư, theo số liệu của Liên Hợp Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.