(HNM) - Xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là một trong những nơi giết mổ gia súc lớn nhất Hà Nội, trung bình mỗi ngày một lò giết mổ hàng trăm con. Tuy nhiên, việc giết mổ được thực hiện theo phương thức thủ công nên chất thải ở các lò mổ đổ ra các kênh, mương, sông, hồ đã gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Nông nghiệp thiệt hại bạc tỷ
Xương trâu, bò vứt ngổn ngang dưới lòng kênh.
Ngày 23-7, có mặt tại thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, mặc dù trận mưa lớn trước đấy mấy hôm đã làm cho không khí ở đây dịu hơn nhưng mùi hôi thối bốc lên từ các kênh, mương, ao, hồ vẫn nồng nặc. Theo ghi nhận của PV, tất cả lòng kênh, dòng chảy xung quanh khu vực xã đều dày đặc phân trâu, bò, xương trâu, bò vứt ngổn ngang. Ông Tạ Quang Hậu, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phú Thủy, xã Tri Thủy cho biết: Ở đây có 50 hộ trực tiếp giết mổ gia súc cùng với hàng trăm người tham gia buôn bán, chế biến các sản phẩm phụ. Mỗi lò giết mổ khoảng 80 con trâu, bò/ngày. Vào các ngày lễ, tết, số lượng có thể tăng lên gấp đôi. Việc giết mổ chủ yếu là thủ công nên mức độ ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vụ mùa 2010 đã có khoảng 6 mẫu ruộng ở thôn Bái Đô nằm ngay sát ven cống thoát nước của thôn bị chết héo. Sau hai trận mưa lớn vừa qua, nhiều cánh đồng ở Bái Đô và các thôn lân cận bị ô nhiễm nặng do chất thải tồn ứ ở cống rãnh trong làng lâu ngày thoát ra đồng theo nước mưa.
Theo tính toán của HTX nông nghiệp Phú Thủy: Sản lượng lúa ở đây giảm trên 33 tấn thóc/vụ so với trước kia, trung bình thiệt hại mỗi vụ trên 1 tỷ đồng, trong đó có sự góp phần đáng kể của ô nhiễm môi trường. Ông Hậu cho rằng, Tri Thủy là một trong những vựa lúa lớn của Phú Xuyên với năng suất khá cao nhưng môi trường ô nhiễm đang làm mất đi vị thế này. Ngoài ra còn có 70ha ruộng trũng đã được chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thủy sản cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản do nguồn nước bị ô nhiễm. Các hộ nông dân ở đây cho biết, hiện nay ô nhiễm nguồn nước đã làm thiệt hại 50kg cá/sào/năm. Do đó, ước tính 70ha nuôi trồng thủy sản ở xã mỗi năm thiệt hại 1,4 tỷ đồng.
Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, ô nhiễm môi trường ở Tri Thủy đang là mối đe dọa đến sức khỏe người dân. Ông Nguyễn Văn Mậu, người thôn Bái Đô bức xúc cho biết: Do giết mổ theo phương thức thủ công, hầu hết không được che đậy, một số hộ giết mổ khi tiêu thụ không hết xương tươi còn đóng bao đem ngâm ở mương, ao khiến nguồn nước sinh hoạt của thôn bị ô nhiễm nặng.
Chờ dự án giết mổ tập trung
Diện tích lúa ở thôn Bái Đô, xã Tri Thủy chết do nguồn nước ô nhiễm.
Theo lãnh đạo xã Tri Thủy, để khắc phục tình trạng này, UBND xã và thôn Bái Đô đã bê tông hóa hệ thống kênh mương thoát nước trong làng, đồng thời thành lập tổ thu gom rác thải để cải thiện môi trường, nhưng với số lượng lò mổ lớn cùng thải ra một lúc nên các kênh mương không thể thoát hết, cộng với rác thải sau khi mổ trâu, bò đổ ra, làm các cống thoát nước bị ứ đọng, tắc nghẽn dòng chảy liên tục. Cách đây 5 năm xã đã kiến nghị các cấp chính quyền về xây dựng khu giết mổ tập trung và được ủng hộ. Ban đầu, dự án được giao cho huyện Phú Xuyên làm chủ đầu tư nhưng do khó khăn về nguồn vốn, cơ chế, chính sách nên năm 2009, thành phố Hà Nội giao lại dự án cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) làm chủ đầu tư xây với diện tích 5ha nhưng đến nay dự án vẫn án binh bất động.
Ông Hoàng Trọng Chương - Phó Giám đốc Hadico cho biết: Các bước thỏa thuận với Sở Quy hoạch kiến trúc mất nhiều thời gian do địa điểm xây dựng cách khu dân cư chỉ 700m, về lâu dài khó giải quyết tốt vấn đề môi trường nên dự án phải tạm dừng để xem xét, thẩm định lại. Tuy nhiên, tiến độ xem xét, thẩm định rất chậm, hiện nay, dự án mới đang dừng ở bước xin phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí đầu tư. Khó nữa là kinh phí cho công tác GPMB khá lớn với khoảng 50 tỷ đồng. Ông Chương cho rằng, mặc dù dự án mang tính xã hội lớn nhưng DN vẫn phải tính đến lỗ, lãi. Để có thể khởi công dự án, thành phố cần có cơ chế, hỗ trợ kinh phí GPMB vì nếu suất đầu tư quá cao, các hộ không đủ điều kiện về kinh tế để vào khu giết mổ tập trung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.