(HNM) - Chỉ trong 2 tháng cuối năm nay, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã ghi nhận tới 6 bệnh nhân tử vong vì ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp). Điều đáng nói, số ca tử vong chiếm gần 50% tổng số bệnh nhân ngộ độc rượu methanol đang điều trị tại đây. Đây là con số đáng báo động về tình trạng bệnh nhân ngộ độc methanol đang có chiều hướng gia tăng.
Tổn thương não do ngộ độc rượu nặng hơn đột quỵ
Nhìn con trai nằm hôn mê trên giường bệnh, giữa chằng chịt máy móc, cha của bệnh nhân P.V.T (22 tuổi, ở tỉnh Hải Dương) chỉ biết gạt nước mắt và hy vọng phép màu sẽ xảy ra. Người cha kể, tuần trước, ở làng có tổ chức liên hoan nên T. cùng nhiều bạn bè, hàng xóm tham gia. Kết thúc buổi liên hoan, T. trở về nhà trong trạng thái mệt mỏi và đi ngủ ngay. Tưởng rằng, con trai chỉ say rượu như mọi lần, thế nhưng hai ngày sau đó, T. vẫn không thể dậy nổi.
“Sáng sớm ngày thứ ba sau bữa liên hoan, con trai tôi rơi vào trạng thái đuối sức kèm theo triệu chứng buồn nôn, choáng váng... Đến lúc này, gia đình mới tá hỏa đưa con tới bệnh viện tuyến tỉnh để cấp cứu. Sau đó, do tình trạng ngộ độc nặng, họ đã chuyển con tôi đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai)”, cha của bệnh nhân T. nói.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân T., bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê do ngộ độc methanol. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy, toàn bộ phần não của T. đều phù nặng, nhiều phần não nhũn, hoại tử và xuất hiện vùng xuất huyết não. “Tổn thương này của T. còn nặng nề hơn rất nhiều so với các trường hợp đột quỵ xuất huyết não. Với tình hình này, tiên lượng rất dè dặt, nếu cố gắng giữ được mạng sống thì di chứng để lại cũng vô cùng nặng nề”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết.
Theo gia đình bệnh nhân T., trong buổi liên hoan cùng với T. còn có một nam bệnh nhân khác (32 tuổi) cũng bị ngộ độc rượu nặng và được chuyển lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Tuy nhiên, nam bệnh nhân này được gia đình xin về vì không thể cứu chữa. Điều đáng nói, loại rượu các bệnh nhân uống trong bữa liên hoan được một người mua từ Hà Nội mang về, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Hạn chế tối đa việc uống rượu
Từ tháng 11-2021 đến ngày 14-12, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận tổng cộng 13 bệnh nhân ngộ độc methanol, trong đó đã có 6 trường hợp tử vong (chiếm gần 50%). Hầu hết các trường hợp đều nhập viện muộn, khi đã rơi vào tình trạng ngộ độc nặng. Thậm chí, nhiều bệnh nhân dù qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn để lại nhiều di chứng nặng nề ở não, mù mắt... Ngoài các trường hợp trên, còn có 4 bệnh nhân khác mà bệnh viện thực hiện xét nghiệm, xác định ngộ độc methanol, hiện đang điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội.
Trước thời điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cận kề, kéo theo đó là các bữa tiệc liên hoan cuối năm, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, thời điểm này, số ca ngộ độc methanol sẽ tiếp tục gia tăng. Ngộ độc methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong cao, thậm chí qua cơn nguy kịch, cứu được tính mạng, song vẫn để lại các di chứng nặng nề. Thế nhưng, với người dân rất khó để phân biệt được rượu chứa methanol với các loại rượu thông thường. Thậm chí, khi uống vào, rượu pha methanol còn ngọt, dễ uống hơn, bệnh nhân cũng có cảm giác say nên dễ bị nhầm lẫn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, cồn y tế cũng là methanol, chỉ dùng để sát trùng, chứ không thể uống. Thế nhưng, rượu pha cồn công nghiệp vẫn đang bán trôi nổi trên thị trường, trong các quán ăn, nhà hàng mà chưa được kiểm soát tốt.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, methanol là một loại cồn công nghiệp. Bản thân methanol là chất độc có độc tính thấp, nhưng khi được đưa vào cơ thể người, nó sẽ được chuyển hóa thành formaldehyde nhờ men alchohol dehydrogenase và sau đó thành formic acid nhờ men acetaldehyde dehydrogenase. Chính những chất này gây độc cho gan, thận, gây suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề. Chính vì vậy để phòng, tránh ngộ độc cồn công nghiệp, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người dân cũng nên hạn chế tối đa việc uống rượu, đặc biệt khi vào thời điểm trước, trong và sau Tết.
“Chúng tôi mong các cơ quan chức năng có những phương án quyết liệt hơn nữa trong các khâu quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, quản lý hóa chất cồn công nghiệp nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc methanol do uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp đáng báo động như hiện nay”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Cách xử trí sau khi uống rượu
Khi uống rượu thấy chếnh choáng nên tìm cách gây nôn. Ngoài ra, uống nhiều nước để không bị mất nước khi nôn liên tục. Nên uống thêm các loại nước: Nước chanh, nước cam vắt, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ (đặc biệt là đậu xanh), uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ. Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.
Nếu người uống rượu say ngủ, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp đói sẽ bị hạ đường huyết. Ngoài ra, không nên cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu hoặc không uống thêm vitamin B1, B6, acid folic... và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt. Đặc biệt, không nên uống các loại thuốc chống nôn, vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.