(HNM) - Vụ buôn lậu 2.000 tấn xăng, trị giá khoảng 40 tỷ đồng vừa được lực lượng điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phát hiện, bắt giữ vào những ngày cuối tháng 7-2012.
Số thuế gian lận trong vụ buôn lậu xăng vừa được phát hiện ước khoảng 11 tỷ đồng. Thực tế vụ việc cho thấy, nếu không có những biện pháp mạnh nhằm siết chặt hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu sẽ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, trốn thuế, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Siết chặt kiểm soát hoạt động XNK xăng dầu sẽ chặn được việc gian lận thuế.
Những thủ đoạn gian lận tinh vi
Báo cáo của Tổng cục Hải quan (TCHQ) cho thấy, sau thời gian cao điểm Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp thông qua hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, vũ khí… Từ đầu năm đến nay, hải quan đã phát hiện, bắt giữ 9.147 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính hơn 179 tỷ đồng. Tổng số vụ vi phạm do TCHQ phát hiện 6 tháng đầu năm đã tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ gia tăng về số vụ vi phạm, thủ đoạn gian lận của các đối tượng cũng ngày càng tinh vi. Vụ buôn lậu 2.000 tấn xăng thông qua hình thức TNTX do Hải đội kiểm soát trên biển, khu vực miền Trung (Hải đội 2) phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL), TCHQ bắt giữ cuối tháng 7 vừa qua cho thấy, các đối tượng buôn lậu đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để gian lận hàng chục tỷ đồng tiền thuế.
Ông Lê Ngọc Thuyết, Hải đội trưởng Hải đội 2 cho biết, lợi dụng tính chất đặc thù của mặt hàng xăng dầu, sự phức tạp của địa bàn rộng lớn trên biển, các đối tượng đã sử dụng hình thức kinh doanh TNTX để buôn lậu, trốn thuế. Thủ đoạn này thực tế đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, song việc triệt phá, bắt giữ vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do mặt hàng xăng, dầu có đặc điểm khó xác định được hàng hóa thuộc lô hàng nào. Thêm vào đó, địa bàn hoạt động buôn lậu xăng dầu lại thường diễn ra trên vùng biển rộng lớn, các đối tượng lại sử dụng thủ đoạn rất tinh vi với hồ sơ, chứng từ được chuẩn bị sẵn sàng nhằm hợp thức hàng hóa khi bị phát hiện, bắt giữ. Để phá án, mục tiêu quan trọng nhất là phải bắt quả tang khi các đối tượng đang vi phạm pháp luật.
Sau thời gian điều tra, nắm thông tin, Cục ĐTCBL đã xây dựng chuyên án XD 612 nhằm triệt phá đường dây buôn bán lậu xăng dầu TNTX dọc tuyến biển miền Trung. TCHQ đã báo cáo Bộ Tài chính đề xuất triển khai phương án bắt quả tang tại hiện trường để có đủ cơ sở pháp lý nhằm xử lý nghiêm vi phạm. Đêm 28-7, tại vùng biển Thanh Hóa giáp ranh với Nam Định, khi tàu chở xăng có tên Giang Châu (quốc tịch Campuchia) đang bơm xăng trực tiếp sang tàu Hoàng Sơn 2 đã bị lực lượng chống buôn lậu, TCHQ bắt quả tang.
Đại diện Cục ĐTCBL cho biết, theo thông tin điều tra bước đầu, đơn vị mua hàng là Công ty TNHH Hồng Phát (trụ sở tại Bắc Hải, Quảng Tây, Trung Quốc). Đơn vị bán hàng là Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hàng không Việt Nam (trụ sở tại Long Biên, Hà Nội). Các đối tượng trên tàu Giang Châu khai nhận đã lợi dụng mua xăng tại Việt Nam dưới hình thức TNTX nhưng không vận chuyển về Trung Quốc mà bán lại cho đối tác Việt Nam để hưởng chênh lệch. Tại thời điểm bị phát hiện, bắt giữ tàu Giang Châu đang chuyên chở 2.000 lít xăng, trị giá ước tính 40 tỷ đồng. Nếu không được phát hiện kịp thời, ước tính số thuế nhập khẩu, thuế GTGT bị thất thu tại lô hàng này khoảng 11 tỷ đồng.
Kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Cục trưởng Cục ĐTCBL cho biết, đường dây buôn lậu xăng dầu vừa bị phát hiện, bắt giữ này đã hoạt động từ rất lâu, tần suất hoạt động trung bình 4 chuyến/tháng, có thời điểm lên đến 6-7 chuyến/tháng. Kiểm tra tàu Giang Châu, hải quan phát hiện các đối tượng buôn lậu đã chuẩn bị sẵn nhiều bộ hóa đơn khống, trong trường hợp cấp thiết mới điền ngày tháng xuất hàng nhằm hợp thức hóa lượng xăng dầu đang vận chuyển trái phép và đối phó với lực lượng ĐTCBL. Chuyên án XD 612 đã mở ra hướng điều tra các đường dây vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh TNTX xăng dầu, lĩnh vực đang bị lợi dụng để kinh doanh trốn thuế.
Theo Phó Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn, hoạt động buôn lậu xăng dầu thông qua hình thức TNTX đã được lực lượng ĐTCBL dày công theo dõi trong thời gian dài. Những thông tin điều tra bước đầu cho thấy, đường dây này đã dùng thủ đoạn rất tinh vi, hoạt động khép kín. Số lượng lớn hàng hóa vi phạm bị bắt giữ và những thông tin thu thập được về đường dây buôn lậu này là cơ sở để TCHQ báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan chức năng có biện pháp hạn chế, kiểm soát chặt chẽ loại hình kinh doanh TNTX xăng dầu, tránh để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, trốn thuế. Thực tế này cũng cho thấy, mặt hàng xăng dầu cần được đưa vào diện quản lý đặc biệt với những quy định về điều kiện kinh doanh… Việc siết chặt kiểm soát hoạt động TNTX xăng dầu sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thất thu ngân sách, đồng thời ngăn chặn những vụ gian lận thuế quy mô lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.