(HNM) - Hiện nay, những biểu hiện lệch chuẩn trong hành vi của học sinh nói chung và học sinh THCS nói riêng rất đa dạng và phức tạp.
Nói dối là phổ biến, vì sao?
TS Lưu Song Hà, Viện Tâm lý học cho biết, theo kết quả thống kê tự đánh giá của học sinh (HS), trong số 532 em tham gia khảo sát, những năm trước có 33 em (chiếm 6,2% ) không vi phạm một chuẩn mực hành vi nào, 34 em (6,8%) có một HVLC. Số còn lại đều mắc từ hai HVLC trở lên, thậm chí có em mắc tới 15, 19 HVLC. Một năm trở lại đây, số HS THCS vi phạm chuẩn mực hành vi nhiều hơn và hiện chỉ còn 15 HS trong diện khảo sát không có một HVLC nào. Số HS có nhiều HVLC cũng tăng lên, cả về số lượng HS lẫn số HVLC mà các em mắc phải, không phải là 19 HVLC nữa mà là 21.
Học sinh cần được tạo những điều kiện tốt nhất để học tập và phát triển toàn diện.
Ảnh: Bích Ngọc
Lỗi mà HS mắc phải rất đa dạng, nhưng nói dối vẫn là HVLC chiếm tỷ lệ cao nhất trong cả hai lần điều tra (79,5% và 82,3%), hành vi có ít học sinh vi phạm nhất là bỏ nhà đi (1,1% và 2,1%). Đáng nói là những HVLC mà các em thường hay mắc nhất đều tăng: ăn quà trong lớp tăng 6,8%; không học bài và làm bài đầy đủ khi lên lớp tăng 3,3%; nói dối tăng 2,8%; vứt rác không đúng nơi quy định tăng 1,2%; nói tục, chửi bậy tăng 2,1%; quấy rối, làm mất trật tự ở trường, lớp tăng 0,9%. Đây là thực trạng đáng lo ngại.
Vì sao trẻ lại nói dối? Kết quả khảo sát thực tiễn cho thấy, lý do chiếm tỷ lệ phần trăm cao nhất là sợ cha mẹ (53,3%). Các em cho rằng, phải nói dối là để "đối phó" với việc "bị cha mẹ đánh, mắng, trách phạt" và nói thật thì cha mẹ không tin. Theo các nhà nghiên cứu tâm lý thì đây là một thực tế. Có nhiều cha mẹ không tin tưởng con cái, chưa chịu lắng nghe chúng và luôn sử dụng những hình phạt quá nghiêm khắc, khắt khe khi các em mắc lỗi khiến chúng vì quá sợ mà phải nói dối để tránh bị trừng phạt. Em N.T.L cho biết: "Nếu cháu nói thật, nhẹ thì phải nghe mẹ mắng đến cả tiếng đồng hồ, nặng thì phải chịu vài cái bạt tai của bố. Trong khi nói dối thì chẳng bị làm sao cả. Ít khi bố mẹ cháu phát hiện ra cháu nói dối lắm vì bố mẹ làm gì có thời gian mà tìm hiểu cụ thể. Chẳng hạn, tan học, mải nói chuyện với bạn, thế là cháu về muộn hơn bình thường nửa tiếng. Lúc đó tốt nhất là nói xe đạp bị thủng phải vá, bố mẹ cháu chẳng hơi đâu mà đi kiểm tra xem có đúng xe của cháu bị thủng hay không. Hoặc là viện lý do đường tắc, chính đáng thế thì ai còn mắng". Một lý do chính mà HS dùng để biện minh cho HVLC của mình nữa là do "bất đắc dĩ, tình thế bắt buộc, vì hoàn cảnh, do cùng đường" (50,7%). Số học sinh cho rằng bản thân mình có lỗi chỉ chiếm tỷ lệ 4,8%, thấp nhất trong mọi lý do.
Tự ý thức sẽ ngoan
Trên thực tế, quan niệm về "mức độ chấp nhận được" của HVLC và trạng thái xúc cảm của HS khi có HVLC ảnh hưởng lớn đến mức độ phạm lỗi ở các em. Khi HS cho rằng việc có HVLC là không thể chấp nhận được thì các em sẽ không vi phạm và ngược lại. Về mặt cảm xúc, khi càng hay phạm lỗi thì cảm giác lo sợ, áy náy càng giảm và ngược lại. Em T.V.P cho biết: "Em nói dối nhiều lần rồi cũng quen, cảm giác lo sợ và áy náy cứ giảm dần đi. Lần đầu nói dối, tay cứ run lên, không dám nhìn vào mắt mẹ và rồi em cứ thấy áy náy mãi và cả hối hận nữa. Nhưng đến lần thứ hai, thứ ba nói dối thì không còn cảm giác đó nữa".
Theo TS Lưu Song Hà, để giảm thiểu HVLC của HS, hiểu biết của cha mẹ về phương pháp giáo dục con cái và cách giải quyết vấn đề khi con cái có HVLC là quan trọng. Khi trẻ mắc lỗi, thái độ gần gũi và khuyến khích con trao đổi thành thật của cha mẹ sẽ có tác dụng giúp chúng nhận ra khuyết điểm và sửa chữa chứ không phải là những lời chỉ trích, chê bai. Làm người bạn lớn của con để trang bị cho trẻ những kiến thức về đạo đức, những chuẩn mực xã hội, hướng dẫn con cách ứng xử, giao tiếp với bạn bè cũng giúp trẻ biết đúng sai để tránh HVLC. Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, mô hình phòng tư vấn học đường trong trường học sẽ giúp người lớn có thêm kiến thức để ứng xử đúng đắn và phù hợp với đặc điểm tâm lý HS, từ đó giúp các em vượt qua hoàn cảnh, lựa chọn những hành vi tích cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.