(HNMO) - Dù lực lượng chức năng cả nước đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra rất phổ biến, đến mức báo động đỏ...
Đây là những cảnh báo được đưa ra tại tọa đàm “Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính” do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức sáng 22-10. Tọa đàm diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, thời gian qua, dù lực lượng chức năng cả nước, trong đó có quản lý thị trường, đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng mặt trận chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất rộng, với nhiều chủng loại mặt hàng và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi… đã gây không ít khó khăn cho các lực lượng. Đặc biệt, gần đây, hiện tượng giả nhãn hiệu, thương hiệu, chất lượng, đo lường… còn diễn ra với mặt hàng xăng dầu, phân bón.
Ông Trịnh Quang Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đánh giá, các hành vi sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Hà Nội có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, có tổ chức liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và đa dạng, phong phú về hình thức, chủng loại nên rất khó phát hiện, xử lý. Trong khi đó, năng lực của cơ quan chức năng chưa đủ mạnh, chưa ngang tầm nhiệm vụ được giao trong công tác đấu tranh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn số liệu thống kê từ Chương trình 168 về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho thấy, năm 2020, các lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã xử phạt 1.300 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tổng số tiền xử phạt trên 25 tỷ đồng.
Đại diện Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2018 đến hết tháng 6-2021, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra hơn 3.600 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp; số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 37 tỷ đồng.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, để giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, của doanh nghiệp làm ăn chân chính, giai đoạn từ nay đến 2030, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ là nhiệm vụ chính, trọng tâm của toàn lực lượng. Để làm được điều này, việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường là điều kiện tiên quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.