Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm tính bền vững cho các phong trào đoàn

Linh Nhi| 19/07/2015 07:30

(HNM) - Nửa đầu nhiệm kỳ 2012-2017, Ban Thường vụ (BTV) Thành đoàn Hà Nội đã ban hành 7 chương trình, 5 đề án nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, trong đó tập trung vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng tổ chức, thực hiện các phong trào, hành động cách mạng, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được triển khai đến từng cơ sở mang lại kết quả khích lệ, nâng cao chất lượng công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô.

Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Trần Anh Tuấn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, BTV Thành đoàn xây dựng 5 đề án mang tính chiến lược, toàn diện gồm: "Xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh thiếu nhi"; "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn trong tình hình mới"; "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2012-2017"; "Tuổi trẻ Thủ đô tham gia xây dựng nông thôn mới"; "Hỗ trợ thanh niên Thủ đô học nghề và tạo việc làm".

Song song với đó, Thành đoàn chỉ đạo triển khai 3 phong trào chủ lực: "Xung kích phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô", "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp", "Tôi yêu Hà Nội". Tất cả các đề án, phong trào này được triển khai nghiêm túc, đồng bộ và mang lại hiệu quả rõ nét. Các phong trào hoạt động đi vào chiều sâu, khắc phục được tính hình thức. Đặc biệt, Đoàn thanh niên thành phố đã thể hiện rõ nét là hạt nhân nòng cốt quan trọng trong các phong trào thanh niên của cả nước.

Thanh niên tình nguyện Thủ đô tham gia phân luồng, hướng dẫn giao thông.


Xác định cán bộ là yếu tố quyết định đến hiệu quả các phong trào nên trong nửa đầu nhiệm kỳ, BTV Thành đoàn đã tổ chức khảo sát, đánh giá 27 nghìn chi đoàn; giao lưu đối thoại với cán bộ đoàn từ cấp chi đoàn; tăng cường làm việc với cơ sở đoàn và thành lập 19 tổ công tác do các ủy viên thường vụ Thành đoàn làm tổ trưởng, thường xuyên theo dõi, nắm bắt, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở thực hiện nhiệm vụ.

Với việc đẩy mạnh phân cấp việc tổ chức các hoạt động cấp thành phố cho các đơn vị sự nghiệp và cơ sở trực thuộc đăng cai tổ chức đã có tác dụng "ràng buộc" trách nhiệm của cơ sở và khắc phục được "bệnh" phô trương, hình thức, lãng phí. Một biện pháp căn cơ nữa cũng được áp dụng đó là, chủ động làm việc với cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị có khó khăn về công tác thanh niên, từ đó tìm cách tháo gỡ, tạo vị thế cho tổ chức đoàn.

Công tác phát triển tổ chức Đoàn cũng được các cấp bộ Đoàn chú trọng khi nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, toàn thành phố đã thành lập được 348 tổ chức Đoàn với 13.437 đoàn viên, 93 tổ chức Hội với 2.664 hội viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đây là lực lượng mạnh cho phong trào thanh niên, công tác đoàn Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều cán bộ đoàn cho rằng, cần có giải pháp triển khai cho các chương trình, đề án, phong trào một cách bền vững.

Đơn cử như, nói về việc thanh niên tham gia giữ trật tự an toàn giao thông, Bí thư Quận đoàn Thanh Xuân Vũ Ngọc Tú cho biết, hầu hết thành viên tham gia "Đội giao thông xanh" và "Đội phản ứng nhanh về an toàn giao thông" thường xuyên biến động do phần đông là sinh viên, vừa học, vừa làm, nên kết quả cũng biến động.

Giải quyết tình trạng này cần đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông cho thanh, thiếu niên ở khu dân cư, trong nhà trường để thu hút lực lượng này tham gia. Đối với công tác giữ văn minh trật tự, Phó Bí thư quận Cầu Giấy Lê Thị Thu Trang khẳng định, sắc áo xanh tình nguyện đến khắp mọi ngõ, phố bóc, xóa các quảng cáo rao vặt trái phép; thu gom rác thải, phế liệu tại các điểm đen về vệ sinh môi trường và triển khai công trình thanh niên "Tuyến phố văn minh, nhà ga bến xe an toàn - thân thiện" tại các nhà ga, bến xe lớn trên địa bàn thành phố; tham gia trực chốt giao thông tại các cổng trường, nút giao thông trọng điểm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong dư luận. Song, để duy trì kết quả này cần nâng cao được ý thức trách nhiệm của người dân.

Về xây dựng nông thôn mới, Bí thư Huyện đoàn Mỹ Đức Nguyễn Trang Thu kiến nghị, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tin tưởng, giao các việc khó để Đoàn thanh niên đảm nhận và tổ chức thực hiện. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích thanh niên mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, xây dựng các mô hình kinh tế, từ đó phát triển nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại…

Những kết quả đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ rất đáng được ghi nhận. Tuy vậy, để bảo đảm tính bền vững của phong trào, tổ chức Đoàn và đoàn viên, thanh niên cần phải tăng trách nhiệm hơn nữa. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng mạnh dạn giao việc, có cơ chế, chính sách, khuyến khích đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia, đóng góp xây dựng địa phương... Có như vậy hoạt động đoàn, công tác thanh niên mới không rơi vào tình trạng "đầu voi, đuôi chuột".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tính bền vững cho các phong trào đoàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.