(HNM) - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa quyết định chuyển chức năng chủ đầu tư đối với 18 dự án đã giao cho Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và Tổng Công ty ĐSVN về Bộ GTVT...
Hành động "mạnh tay" này xuất phát từ việc hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ, sử dụng nguồn vốn không hiệu quả; tổng mức đầu tư một số dự án bị điều chỉnh cao hơn thực tế… Bộ GTVT yêu cầu, chậm nhất đến ngày 30-9 phải hoàn thành việc bàn giao nhưng không làm gián đoạn mỗi dự án…
Thi công kết cấu dầm hộp Dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh đoạn sông Nhuệ. Ảnh: Ngọc Châu |
Quản lý kém, sai phạm nhiều
Theo Quyết định số 3092/QĐ-BGTVT, trong số 18 dự án bị Bộ GTVT quyết định chuyển quyền chủ đầu tư có 5 dự án của Cục ĐSVN và 13 dự án của Tổng Công ty ĐSVN. Trong số này có một số dự án "tai tiếng" thời gian qua như: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) giai đoạn 1 sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Tại dự án này các quan chức ngành đường sắt bị nhà thầu JTC (Nhật Bản) tố giác nhận hối lộ 80 triệu yên Nhật (trên 16 tỷ đồng). Hiện một số lãnh đạo Cục ĐSVN và Tổng Công ty ĐSVN đã bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 (Cát Linh - Hà Đông) sử dụng vốn vay Trung Quốc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư thêm 300 triệu USD…
Vừa qua, Bộ GTVT cũng đã có kết luận số 9180/BGTVT về việc kiểm tra 3 dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA đầu tư hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt do Tổng Công ty ĐSVN làm chủ đầu tư, bao gồm: Dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và Khu đầu mối Hà Nội; Dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh - Sài Gòn - tuyến đường sắt Thống Nhất, giai đoạn 1; Dự án Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh (giai đoạn 2). Theo kết luận kiểm tra cả 3 dự án đều bị chậm tiến độ từ 4 đến 7 năm; công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh các dự án này cao hơn gần gấp 2 lần so với thực tế, gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả dự án, không tận dụng được hết nguồn vốn vay ưu đãi. Hệ thống điện khí tập trung áp dụng đối với thiết bị liên khóa tại 3 dự án không đồng bộ công nghệ. Việc khảo sát, thiết kế hệ thống tổng đài chưa sát thực tế...
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, thời gian qua dù được giao nhiệm vụ chủ đầu tư hàng loạt dự án trọng điểm nhưng Cục ĐSVN và Tổng Công ty ĐSVN đã không thể hiện được vai trò, năng lực điều hành, quản lý và triển khai dự án. Tiến độ thực hiện các dự án đường sắt chậm, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn không hiệu quả.
Không làm gián đoạn dự án
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc chuyển giao này nằm trong lộ trình tái cơ cấu Tổng Công ty ĐSVN; đổi mới lĩnh vực đường sắt; rà soát các đầu mối, các ban quản lý, tái cơ cấu đầu tư, quản lý đầu tư. Sau khi chuyển các dự án ODA về Bộ sẽ có sự sáp nhập, thống nhất hai Ban QLDA đường sắt thuộc Cục ĐSVN và Tổng Công ty ĐSVN thành một Ban quản lý trực thuộc Bộ.
Một số ý kiến cho rằng chuyển giao chức năng chủ đầu tư là cần thiết, nhất là trong bối cảnh ngành đường sắt đang quá yếu kém, trì trệ như hiện nay. Các dự án này đều có ý nghĩa quan trọng không chỉ với ngành mà còn với cả mỗi địa phương liên quan nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những lo ngại về tiến độ các dự án vốn đã chậm sẽ lại càng chậm hơn vì chuyển giao. Ví dụ như với dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 Cát Linh - Hà Đông theo yêu cầu của Chính phủ phải hoàn thành và khai thác vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn còn rất bộn bề. Nhiều đoạn tuyến, các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông đã nỗ lực thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư nhưng Cục ĐSVN triển khai quá chậm. Nhiều thời điểm, công trường gần như không hoạt động, gây ùn tắc giao thông, mất vệ sinh môi trường và bức xúc trong nhân dân. Một số gói thầu vẫn đang trong giai đoạn đấu thầu, chuẩn bị đầu tư… Hay như với 3 dự án đầu tư hệ thống tín hiệu giao thông vừa được Bộ GTVT kiểm tra có quy mô và phạm vi trải dài từ Bắc vào Nam với tổng chiều dài 2.300km được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và an toàn chạy tàu trên các tuyến vận tải trọng yếu quốc gia, góp phần hạ giá thành vận tải. Thế nhưng, với việc chậm tiến độ từ 4 đến 7 năm đã gây thiệt hại không thể đo đếm về kinh tế - xã hội và an toàn đường sắt… Một số dự án sử dụng vốn ODA nên còn vướng mắc về thủ tục với nhà tài trợ nước ngoài cũng cần phải giải quyết sớm.
Bộ GTVT cho biết, trong quá trình chuyển giao, Bộ đã giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, giải quyết các thủ tục với các nhà tài trợ vốn ODA về việc chuyển chủ đầu tư dự án. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông chủ trì, tham mưu về công tác đấu thầu, thực hiện đầu tư, thẩm định phê duyệt thiết kế để không làm gián đoạn quá trình thực hiện đầu tư dự án. Việc tổ chức bàn giao phải đầy đủ, rõ ràng về trách nhiệm, thời gian, tình hình thực hiện, bảo đảm không làm ảnh hưởng, gián đoạn các dự án. Khi bàn giao chi tiết phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan bàn giao và cơ quan nhận dự án kể từ thời điểm chuyển giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.