(HNM) - Từ ngày 1-1-2016, chứng minh thư nhân dân sẽ được thay thế bằng thẻ căn cước công dân (CCCD). Đến nay, đã có khoảng 4 triệu người dân ở 16 địa phương được nhận tấm thẻ tích hợp nhiều tiện ích này. Tuy nhiên, nhiều người ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phản ánh còn chậm trễ trong việc cấp mới, cấp đổi
Người dân vẫn phải chờ
Thẻ CCCD gồm nhiều thông tin, từ tên, tuổi, giới tính đến quốc tịch, quê quán, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ, trong tương lai sẽ dần thay thế các giấy tờ công dân được sử dụng từ trước đến nay như: Sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, sổ bảo hiểm xã hội... Điều đó đồng nghĩa, nhiều giấy tờ tùy thân của công dân được giảm thiểu khi giao dịch với cơ quan công quyền. Do có nhiều tiện ích như vậy nên bà Nguyễn Thị Tý ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy quyết định sẽ đi làm thẻ căn cước. Tuy nhiên, bà được bạn bè thông tin cho biết, việc cấp mới bị chậm trễ nên lo lắng, nếu tiến độ việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các giao dịch dân sự.
Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, có việc hệ thống cấp, quản lý CCCD đã vận hành từ năm 2012, đến nay cần bảo dưỡng để bảo đảm cho hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, tình trạng sắp hết phôi in thẻ CCCD xảy ra ở cả 16 địa phương đang triển khai dịch vụ này trong đó có Hà Nội, dự kiến phải đến đầu tháng 10 mới có đầy đủ để cung cấp trở lại nên có hiện tượng trễ hẹn đối với một số trường hợp. Theo lộ trình, đến tháng 1-2020, Bộ Công an phải chủ động nguồn cung cấp phôi làm CCCD, tiến đến sản xuất phôi và một số vật liệu phục vụ in trong nước để chủ động nguồn nguyên liệu làm thẻ.
Cải tiến quy trình cấp, đổi
Trong quá trình chờ đợi Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan có những cải tiến về công nghệ cấp thẻ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng thông tin, tiến độ cấp số định danh cá nhân cho nhóm trẻ em đăng ký khai sinh từ ngày 1-1-2016 (ngày Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân có hiệu lực) tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) - nơi thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho các cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn được đẩy nhanh. Đến đầu tháng 7-2016, tại các địa phương trên đã có 128.440 trẻ được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân. Theo quy trình, cán bộ tiếp nhận hồ sơ của người dân, kiểm tra đầy đủ theo quy định hiện hành, sau đó chuyển dữ liệu về hệ thống phần mềm quốc gia để cấp số định danh. Tiếp đó, cán bộ in giấy khai sinh có số định danh và trao cho người dân. Số định danh cá nhân đó sẽ trở thành số CCCD được cấp khi đủ 14 tuổi. Đối với những người đã đăng ký khai sinh và đăng ký thường trú, việc cấp số định danh cá nhân được thực hiện khi cấp thẻ CCCD.
Quy trình cấp, đổi thẻ CCCD cũng có nhiều cải tiến. Người dân vẫn được sử dụng chứng minh thư nhân dân cũ, khi nào đến nhận thẻ căn cước mới phải cắt góc chứng minh thư nhân dân. Như vậy, trong trường hợp bị trễ hẹn, công dân vẫn có thể thực hiện các giao dịch bằng chứng minh thư của mình. Riêng đối với những người dân có nhu cầu sử dụng ngay thẻ CCCD như các em học sinh mới tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc cần làm thủ tục xuất cảnh, C72 đã trao đổi với địa phương sử dụng số phôi còn lại để phục vụ ngay cho người dân.
Cơ quan này cũng khẳng định, nếu chứng minh nhân dân cũ của người dân đang sử dụng vẫn còn thời hạn sử dụng thì người dân sử dụng bình thường cho đến khi hết hạn thì mới phải đi làm thủ tục đổi sang thẻ CCCD. Trên thực tế, chứng minh nhân dân 9, 12 số hay thẻ CCCD đều có giá trị sử dụng như nhau. Khi đổi sang thẻ CCCD, cơ quan công an sẽ cấp giấy xác nhận về việc thay đổi chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước để người dân thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch. Có tấm giấy thông hành này, các đơn vị tiếp nhận như ngân hàng, văn phòng đăng ký đất đai các tỉnh, thành phố phải giải quyết theo đúng luật, không được làm khó dân khi thực hiện rút tiền, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bán nhà… Nếu người dân đã xuất trình rồi mà vẫn cố tình không giải quyết thì đồng nghĩa các cơ quan đó đã làm sai pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.