(HNM) - Nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản, thực phẩm trong tình hình mới, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022 trên toàn địa bàn thành phố từ ngày 15-4 đến 15-5. Thực hiện Kế hoạch số 118/KH-UBND, các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Chủ động nguồn cung bảo đảm an toàn thực phẩm
Từ chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản, thực phẩm trong tình hình mới” của “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022, Sở sẽ tập trung chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ nghiêm luật định trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Sở cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động nguồn cung ứng hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền kế hoạch và chủ đề của “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Sở cũng tăng cường kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn và trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, triển lãm kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm cấp thành phố kiểm tra công tác triển khai của các địa phương.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương:
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát
Xác định rõ, an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng trong bảo đảm sức khỏe nhân dân nên hằng năm Sở vẫn tập trung chỉ đạo tổ chức các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm. Sự kiện “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022 là điểm nhấn trong năm để tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Theo đó, Sở sẽ phối hợp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Trên cơ sở đó, giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm để củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa:
Nêu cao trách nhiệm của chính quyền các cấp
Thực hiện chủ đề của “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022, quận sẽ tập trung chỉ đạo nêu cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh, nhất là các nhân viên chế biến thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin của nhà trường hiểu rõ những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên tại các cơ sở giáo dục có bếp ăn, căng tin để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh. Đồng thời, quận có phương án chủ động nguồn cung ứng hàng hóa bảo đảm ổn định, an toàn thực phẩm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng:
Huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng
Hằng năm, huyện Quốc Oai đều xây dựng kế hoạch sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng. Từ đây, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã tận dụng được nguồn phế thải trong chăn nuôi, trồng trọt để sản xuất phân hữu cơ nên đã giảm được chi phí sản xuất và bảo đảm môi trường. Huyện quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP và kiểm soát từ sản xuất tới tiêu dùng. Ngoài ra, huyện tăng cường kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, rau quả lưu thông tại các chợ đầu mối, cơ sở chế biến, cơ sở giết mổ, cửa hàng kinh doanh rau an toàn… Đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Phạm Anh Dũng, thôn Cổ Chai, xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên):
Thực hiện nghiêm quy định trong sản xuất, kinh doanh
Những năm qua, việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội được các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện nên người dân rất yên tâm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật an toàn thực phẩm vẫn còn, nhất là việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Theo tôi, cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ, chất lượng, hiệu quả các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm; đặc biệt, cần đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra đột xuất. Yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải đề cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, tuyệt đối không được sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.