Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm sức khỏe cho người dân tại lễ hội

Thu Trang| 22/03/2021 07:14

(HNM) - Khi dịch Covid-19 bắt đầu được kiểm soát cũng là lúc nhiều lễ hội được phép hoạt động trở lại với lượng lớn du khách. Cùng với vấn đề an toàn phòng, chống dịch, việc kiểm soát an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các lễ hội, qua đó bảo đảm sức khỏe cho người dân cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của một nhà hàng tại Khu Di tích - danh thắng Hương Sơn (chùa Hương, Mỹ Đức). Ảnh: Duy Tân

- Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại lễ hội vẫn luôn tồn tại không ít nỗi lo. Vậy, cơ quan chức năng làm gì để giải tỏa nỗi lo này, thưa ông?

- Những năm gần đây, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lễ hội trên địa bàn Hà Nội đã có tiến bộ hơn, nhờ sự vào cuộc của các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn, vệ sinh thực phẩm thành phố và các địa phương. Đặc biệt, năm nay, trước khi cho phép các lễ hội hoạt động trở lại, cơ quan chức năng đã yêu cầu những điểm kinh doanh ăn uống ở khu vực lễ hội phải ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng những điều kiện bắt buộc. Đó là khu vực chế biến và dụng cụ chế biến thực phẩm phải sạch sẽ; có nguồn nước hợp vệ sinh để rửa bát đũa; có tủ bảo quản thực phẩm; thực phẩm phải chứng minh được nguồn gốc. Cùng với đó, các quán hàng tại khu vực lễ hội cũng phải tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, như: Thiết kế vách ngăn chặn giọt bắn, bố trí nước sát khuẩn ở lối vào quán và yêu cầu 100% nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất vẫn là tại những cơ sở kinh doanh không cố định, mang tính thời vụ. Do hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn nước sinh hoạt, nên vẫn còn một số vi phạm, như: Thực phẩm chín - sống để lẫn lộn, thức ăn không bảo quản đúng quy định, thực phẩm không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ… Chính vì vậy, chính quyền địa phương, ban tổ chức các lễ hội cần tăng cường công tác kiểm tra, áp dụng những hình thức xử phạt mạnh để tăng sức răn đe.

- Theo ông, làm thế nào để công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các điểm kinh doanh ăn uống ở khu vực diễn ra lễ hội đạt được hiệu quả?

- Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, chính quyền địa phương cần kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm, thay vì chỉ đôn đốc, nhắc nhở; đồng thời, tăng cường việc hậu kiểm và công khai cơ sở vi phạm để người dân biết, không sử dụng sản phẩm của những cơ sở này. Cùng với đó, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố cũng được tăng cường. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra này sẽ tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm nhanh thực phẩm tại chỗ. Đối với những mẫu thực phẩm có phát hiện bất thường sẽ yêu cầu cơ sở dừng hoạt động để thực hiện xử lý theo quy định.

Năm nay, ngoài kiểm tra việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, các cơ quan chức năng còn tập trung kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các lễ hội. Nếu nơi nào thực hiện chưa tốt các quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

- Trong những ngày qua, tại một số lễ hội có số lượng du khách khá đông. Thực tế này khiến dư luận lo lắng công tác phòng, chống dịch Covid-19 khó có thể được bảo đảm?

- Trước khi cho phép các lễ hội được hoạt động trở lại, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, triển khai quy trình phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trước và trong thời điểm diễn ra lễ hội lớn, các đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của lãnh đạo Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đều đến kiểm tra công tác phòng dịch. Các địa phương cũng đã thận trọng và chặt chẽ khi đưa ra những quy định về khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt và giữ khoảng cách đối với người tham gia các hoạt động lễ hội. Dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng với tinh thần không chủ quan, chúng tôi vẫn yêu cầu ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội không được để xảy ra tình trạng quá đông du khách dồn về một địa điểm để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.

- Vậy ông có khuyến cáo gì với du khách để phòng nguy cơ mắc Covid-19 từ những nơi tập trung đông người, thưa ông?

- Người dân khi tham gia lễ hội cần có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế), trong đó đặc biệt lưu ý đến việc phải đeo khẩu trang đúng quy chuẩn, giữ khoảng cách nhằm tránh lây lan các dịch tiết từ người khác, tránh tụ tập nếu không cần thiết. Người dân khi đến các lễ hội nên di chuyển bằng xe riêng hoặc thuê xe. Nếu đi bằng phương tiện công cộng cần phải chấp hành quy định của đơn vị vận chuyển hành khách...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm sức khỏe cho người dân tại lễ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.