Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm sức khỏe cho đối tượng bảo trợ xã hội trong những ngày giá rét

Vũ Minh| 11/01/2021 19:18

(HNMO) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 192.000 trường hợp thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó hơn 2.700 trường hợp là người già cô đơn, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, người lang thang chưa xác định được địa chỉ cư trú... đang được chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, một số trường hợp là người có công không còn người thân cũng được chăm sóc lâu dài tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.

Cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội thăm hỏi tình hình sức khỏe của bệnh binh Lê Văn Tý.

Đa số trường hợp người già sống tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trung tâm bảo trợ xã hội hiện tuổi đã cao, sức khỏe yếu; còn trẻ em chưa biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Để bảo đảm sức khỏe cho các nhóm đối tượng này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thường xuyên yêu cầu các trung tâm giữ gìn vệ sinh môi trường; trang bị đầy đủ các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng người, từng nhóm đối tượng. Công tác điều trị phục hồi chức năng, khám sức khỏe cho các đối tượng được thực hiện hằng ngày.

Ngoài những biện pháp đã triển khai, trong những ngày thời tiết giá rét, các trung tâm chủ động chăm sóc sức khỏe cho người già, trẻ em.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Vũ Văn Trung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng Người có công số 2 Hà Nội (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) cho biết: "Chúng tôi vừa bổ sung chăn bông, áo ấm, khăn, mũ len và các đồ dùng cần thiết cho 44 trường hợp người có công đang sống tại đây. Khu vực nhà ở, nhà ăn có hệ thống máy sưởi, nước ấm, rèm chắn gió, bảo đảm người có công được sống, sinh hoạt trong môi trường ấm áp".

Còn tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (phường Biên Giang, quận Hà Đông), hằng ngày, đội ngũ cán bộ, nhân viên thay ca chăm sóc sức khỏe cho 4 thương binh, bệnh binh nặng 24/24 giờ.

"Trường hợp nào phải vào bệnh viện điều trị, chúng tôi cử người đi cùng chăm sóc. Trường hợp nào ở lại trung tâm, chúng tôi quan tâm chăm sóc đầy đủ, toàn diện từ những việc nhỏ nhất", ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc Trung tâm nói.

Tại các trung tâm bảo trợ xã hội, người già, trẻ em cũng được bổ sung các đồ dùng sinh hoạt có chức năng chống rét. Chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn được thay đổi, điều chỉnh để tăng sức đề kháng cho cơ thể...

Đón nhận sự quan tâm này, cụ Lê Văn Tâm, phòng 2, nhà A4, Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 Hà Nội (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) chia sẻ: "Dù thời tiết lạnh giá, chúng tôi vẫn ấm lòng. Bởi, chúng tôi luôn được đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 Hà Nội quan tâm, chăm sóc như người thân trong gia đình".

Chăm sóc sức khỏe cho người già tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 Hà Nội.

Dịp này, Đội trật tự xã hội lưu động thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 Hà Nội (xã Dục Tú, huyện Đông Anh) liên tục ra quân tập trung người lang thang trên địa bàn Hà Nội. Những trường hợp không xác định rõ địa chỉ cư trú được đưa về chăm sóc tạm thời tại ngôi nhà chung dành cho người lang thang. Tại đây, người lang thang được cấp, phát các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, khám sức khỏe, sinh sống trong môi trường ấm áp, hợp vệ sinh. Từ ngày 1-1-2021 đến nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 Hà Nội đã tiếp nhận gần 30 trường hợp là người lang thang...

Theo ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong mọi hoàn cảnh, các cơ quan chức năng thành phố luôn quan tâm đến mọi mặt cuộc sống của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong thời tiết lạnh giá, sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng dành cho người yếu thế càng thể hiện rõ nét, bắt đầu từ những việc làm giản dị, thiết thực hằng ngày.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm sức khỏe cho đối tượng bảo trợ xã hội trong những ngày giá rét

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.