(HNM) - Thời gian qua, các cấp công đoàn rất chú trọng chỉ đạo, đôn đốc thu kinh phí và đoàn phí công đoàn, thu năm sau đều cao hơn năm trước. Song cũng có ý kiến cho rằng khoản kinh phí này cần tách bạch hơn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều doanh nghiệp nêu quan điểm nhất quán, cần thiết duy trì nguồn thu phí công đoàn 2% như hiện nay và bảo đảm sử dụng hợp lý nhằm chăm lo tốt hơn cho người lao động.
Gần đây, câu chuyện có nên duy trì 2% phí công đoàn theo quy định hay không một lần nữa lại được hâm nóng khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đề nghị giữ nguyên mức 2% kinh phí công đoàn tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn 2012. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nguồn thu kinh phí công đoàn 2% cùng các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức công đoàn xây dựng nguồn lực chăm lo người lao động, giảm gánh nặng cho Nhà nước trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế. Từ năm 2012, tỷ lệ kinh phí công đoàn phân phối cho công đoàn cơ sở tăng dần, từ 65% lên 70% như hiện nay. Trong các nội dung chi, trên 70% được dành để chăm lo phúc lợi cho đoàn viên và người lao động. Vì vậy, việc tiếp tục giữ ổn định nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết.
Từ thực tế hoạt động, ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Hà Nội) ủng hộ đề xuất nêu trên và cho rằng, với kinh phí công đoàn và đoàn phí được giữ lại, tổ chức công đoàn công ty đã thăm hỏi, hỗ trợ được khó khăn cho đoàn viên. Ngoài ra, các hoạt động nâng cao đời sống của 1.500 lao động của công ty cũng được đẩy mạnh. Minh chứng rõ nhất là việc xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng để người lao động có không gian giải trí sau giờ làm việc. Đồng quan điểm, ông Yamazaki Takayuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SWCC SHOWA (Hà Nội) và Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (Hà Nam) Đỗ Thanh Bình cho biết, lãnh đạo doanh nghiệp hoàn toàn nhất trí duy trì kinh phí công đoàn 2%. Đây không chỉ là kinh phí để hoạt động công đoàn mà về bản chất, đây là cơ sở vật chất bảo đảm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ...
Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, dịch Covid-19 diễn biến khó lường, một số hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng đã có kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm mức đóng kinh phí công đoàn. Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, việc giảm còn 1% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp là hài hòa mục tiêu của đôi bên. Về vấn đề này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, để tiếp tục chia sẻ khó khăn với đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cơ quan này đã yêu cầu bổ sung đối tượng công đoàn viên có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở không phải đóng phí công đoàn, áp dụng đến hết ngày 31-12-2020. Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin, nếu giảm phí công đoàn, việc chăm lo cho người lao động cũng sẽ giảm. Mong muốn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là vẫn giữ nguyên kinh phí công đoàn như hiện nay.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, kinh phí công đoàn 2% chủ yếu để xây dựng hệ thống phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, người lao động, kể cả người lao động tại doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Vì vậy, dứt khoát không thể bỏ mà chỉ cần bảo đảm sử dụng công khai hiệu quả, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển của tổ chức công đoàn được hiến định trong Điều 10 của Hiến pháp cũng như những mong muốn trong các nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn, giai cấp công nhân.
Ở góc độ nghiên cứu và quản lý nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, các bộ: Tài chính, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội… cũng đều ủng hộ duy trì kinh phí công đoàn 2%. Tuy nhiên, các đơn vị cũng góp ý, phải để doanh nghiệp, người lao động thấy được ích lợi của việc đóng phí công đoàn và bổ sung một số quy định cụ thể hơn về sử dụng tài chính công đoàn, từ đó doanh nghiệp sẽ ủng hộ. Việc này có thể thực hiện thông qua đẩy mạnh tuyên truyền Luật Công đoàn, trong đó có nội dung đóng kinh phí công đoàn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tới các doanh nghiệp, người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.