(HNM) - Đội xung kích của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) đã trực chiến 24/24 giờ gần hai tuần tại địa bàn huyện Chương Mỹ để bảo đảm an toàn sử dụng điện cho người dân do nước lũ dâng cao lịch sử.
Nhờ phương án được chuẩn bị trước, cũng như việc cấp điện kịp thời cho người dân, hướng dẫn cụ thể đến từng hộ gia đình để kiểm tra, giám sát thiết bị điện…; đến nay, EVN HANOI đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Rạng sáng 20-7, mưa kéo dài tiếp tục làm nước dâng cao gây ngập lụt các vùng trũng trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Chủ động ứng phó nhằm bảo đảm an toàn cung ứng điện, 3h sáng cùng ngày EVN HANOI đã ngừng cấp điện đối với các hộ dân bị ngập sâu. Ngày 31-7, mực nước sông Bùi (tại cống Yên Duyệt) là 7,38m (cao hơn mức báo động 3 là 0,38m), lúc này nhiều hộ đã ngập sâu trong nước, nên EVN HANOI tiếp tục ngừng cung cấp điện cho 1.221 hộ.
Theo ông Trần Ngọc Mười, Giám đốc Công ty Điện lực Chương Mỹ, tính đến nay, nước đã rút xuống dưới mức báo động cấp 1, Công ty đã cấp điện trở lại cho hơn 1.000 hộ gia đình. Điều đáng mừng là đợt ngập lụt này không gây nhiều thiệt hại cho ngành Điện và người dân. Bởi, trước mùa mưa bão, Công ty đã chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho bà con bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, phát trên loa truyền thanh các biện pháp bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp. Đồng thời, xử lý các khu vực có nguy cơ ngập lụt bằng cách thay hệ thống đường dây điện đưa lên cao, xử lý các cột điện bị nghiêng, bị gãy… “Chúng tôi đã xây dựng kịch bản “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, bảo đảm chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và "3 sẵn sàng" (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương đạt hiệu quả), phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, bão lũ.
Đồng thời, xây dựng lực lượng ứng trực và đội xung kích xử lý sự cố và phòng chống lụt bão. Rút kinh nghiệm năm 2017, trước mùa mưa bão năm nay, toàn bộ hệ thống lưới điện đã được nâng cao trình, cột điện được cải tạo lại nên đợt úng ngập vừa qua không gây ảnh hưởng tới một công tơ điện nào. Nước rút đến đâu chúng tôi kiểm tra hệ thống đến đó và nếu bảo đảm an toàn là cấp điện trở lại cho người dân. Việc hướng dẫn người dân kiểm tra các thiết bị, dây dẫn an toàn được phổ biến rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Cùng với đó, Đội xung kích còn sử dụng loa di động để tuyên truyền tới từng nhà nên giảm thiểu được thiệt hại do ngập úng gây ra” - ông Mười nhấn mạnh.
Bảo đảm sẵn sàng trong mọi tình huống, ngành Điện Thủ đô đã có sự chủ động ngay từ đầu. Cụ thể, EVN HANOI đã kiểm tra hành lang lưới điện cao áp, rà soát toàn bộ khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập úng để nâng cao tủ điện, tiến hành duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những hư hỏng. Đồng thời, phối hợp với ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cung cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng, đặc biệt với các trạm lớn. Cùng với đó, EVN HANOI tổ chức lực lượng ứng trực, chuẩn bị tốt hệ thống thông tin liên lạc, vật tư dự phòng; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kiến thức cũng như đưa ra các khuyến cáo sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão… Theo ông Ngô Huy Hoàng, Phó Trưởng ban An toàn EVN HANOI, mục tiêu của Công ty là cấp điện an toàn cho toàn thể người dân trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt trong mùa mưa bão. EVN HANOI đã yêu cầu tất cả đơn vị trực thuộc cung cấp, thống kê các trạm bơm tiêu úng cho Thủ đô để có phương án cấp điện an toàn và có phương án ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để vận hành thông suốt.
Khi có mưa to, gió lớn, ngập úng, người dân cần tránh xa các khu vực nguy hiểm như đường dây điện, trạm điện đề phòng sự cố. Khi cần, liên lạc với Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (ĐT:19001288 - 024.22222000), chính quyền, hoặc công an địa phương gần nhất để kịp thời xử lý. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.