Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn

Ngọc Quỳnh| 08/05/2021 07:07

(HNM) - Nhằm tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của Luật An toàn thực phẩm tới các nhà sản xuất, phân phối. Qua đó, tạo ra những mặt hàng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vừa nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, vừa phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Khách tham quan gian hàng giới thiệu nông sản an toàn bên lề Hội thảo “An toàn trong sản xuất, kinh doanh vì sức khỏe cộng đồng”, do Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức, ngày 29-4.

Nhiều chuyển biến tích cực

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã đẩy mạnh việc xây dựng những vùng chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối cho biết, với diện tích 5ha chuyên sản xuất các loại rau hữu cơ, mỗi ngày hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 1-2 tạ rau bảo đảm chất lượng.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa Phú (huyện Quốc Oai) Lê Đình Bình, quy mô chăn nuôi của hợp tác xã gồm 30.000 gà H’Mông, 20.000 gà Mía lai ri và khoảng 1,5 triệu con gà đẻ thương phẩm. Do chăn nuôi theo hướng an toàn, hằng ngày hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu quả trứng gà thương phẩm; 0,17 tấn gà đen H’Mông và 0,1 tấn gà Mía lai ri. Hiện nay, các sản phẩm gà đen H’Mông mang nhãn hiệu gà đồi Đông Yên đang được sản xuất theo chuỗi và tiêu thụ qua các cửa hàng tiện ích.

Đánh giá về việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản thời gian qua, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 5.000ha sản xuất rau an toàn, trong đó có 43 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) với tổng diện tích 1.700ha; duy trì hơn 1.300ha rau, quả, chè theo tiêu chuẩn VietGAP, 181ha nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, 88 cơ sở chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, gần 50ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với 141 chuỗi, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm động vật và 85 chuỗi sản phẩm thực vật.

Nhìn chung, việc sản xuất theo hướng an toàn không chỉ giúp người dân tiêu thụ với giá cao hơn 10-15% so với sản phẩm theo hướng truyền thống mà còn giúp các ngành chức năng trong vấn đề quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.

Tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn

Để tiếp tục nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn bảo đảm chất lượng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh kiến nghị, các sở, ngành, địa phương tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay cho các hộ sản xuất an toàn để mở rộng quy mô sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết; tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để doanh nghiệp và người sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tuyên truyền để thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân trong sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, hiện nay vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Nếu thực phẩm không an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, giảm uy tín hàng hóa, chất lượng thực phẩm của Việt Nam, gây tổn thất lớn về kinh tế.

Do đó, để thay đổi hành vi của người dân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, bảo đảm an toàn, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng và nhân rộng nhiều mô hình thực hiện an toàn thực phẩm, như: “Thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong khai thác sữa bò tươi”, “Sản xuất rau an toàn”, “Điểm phân phối thực phẩm an toàn”...

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”, “Chi hội phụ nữ ăn sạch - sống xanh”… Tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp Thủ đô tổ chức cho hội viên phụ nữ tới các trang trại trực tiếp chứng kiến quy trình sản xuất an toàn, qua đó thúc đẩy khâu tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, Sở sẽ chú trọng quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn, đặc sản vùng miền phục vụ người tiêu dùng Thủ đô...

Toàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 5.000ha sản xuất rau an toàn, 181ha nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, 88 cơ sở chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 141 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn (56 chuỗi sản phẩm động vật, 85 chuỗi sản phẩm thực vật)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.