Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền lợi hợp pháp

Thiện Mỹ| 23/09/2021 06:05

(HNM) - Dù đã được các cấp, các ngành quan tâm, tập trung giải quyết nhưng khiếu nại về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì hiện vẫn khá phổ biến và chiếm đến 36% số vụ tranh chấp tại nhà chung cư. Thực tế này khiến quyền lợi của cư dân bị ảnh hưởng và gây tình trạng đơn thư kéo dài, mất trật tự xã hội.

Những tranh chấp thường xảy ra giữa cư dân với chủ đầu tư; giữa cư dân với ban quản trị; giữa ban quản trị nhiệm kỳ mới với ban quản trị nhiệm kỳ cũ... Nguyên nhân là do không bàn giao đúng quy định, sử dụng không minh bạch, sai mục đích, trái quy định pháp luật...

Là địa bàn có số lượng lớn nhà chung cư và cũng có nhiều vụ tranh chấp xảy ra, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28-6-2019 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố. UBND thành phố cũng đã có kế hoạch để triển khai nghị quyết này... Tuy nhiên, do quy định pháp luật về sử dụng quỹ bảo trì chưa đầy đủ, chế tài chưa nghiêm nên vi phạm vẫn tồn tại.

Trước bất cập này, ngày 26-3-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Với tính khả thi cao, nghị định được kỳ vọng đủ sức hóa giải những mâu thuẫn trong quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 15-9-2021, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý việc sử dụng kinh phí bảo trì.

Thực tế, phần lớn các tranh chấp kéo dài từ nhiều năm trước nên độ phức tạp cao. Vì thế, muốn giải quyết hiệu quả, các cơ quan chức năng cần rà soát lại từng vụ việc để phân loại, tìm giải pháp xử lý dứt điểm. Cần xác định, tranh chấp này không chỉ là việc riêng của chủ đầu tư với cư dân, mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, bởi nếu không xử lý dứt điểm, mâu thuẫn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực.

Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư phải thông báo cho Sở Xây dựng khi mở tài khoản để quản lý quỹ bảo trì và khi bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị nhà chung cư. Sở cần tăng cường kiểm tra, thanh tra nội dung này nhằm ngăn chặn quỹ bị sử dụng sai mục đích. Việc thực hiện thủ tục cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì còn liên quan đến trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, Sở Xây dựng, tổ chức tín dụng, cơ quan công an... Vì thế, các bên cần có sự thống nhất trong giải quyết vụ việc. Với những chủ đầu tư vi phạm, cần kiên quyết xử lý nghiêm để tăng tính răn đe, phòng ngừa và cơ quan chức năng nên công khai thông tin cho người mua nhà biết.

Để hiệu quả hơn cũng rất cần sự chủ động hợp tác từ cư dân trong việc phát hiện, phản ánh với cơ quan chức năng khi nhận thấy quỹ bảo trì có dấu hiệu bị sử dụng sai quy định. Đồng thời, cư dân cần lựa chọn người có năng lực, tinh thần trách nhiệm cao bầu vào ban quản trị. Ngược lại, mỗi ban quản trị cần hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình để thay mặt cư dân quản lý, sử dụng quỹ bảo trì đúng mục đích, hiệu quả.

Pháp luật hiện hành về quản lý quỹ bảo trì nhà chung cư đã khá chặt chẽ; trách nhiệm của các bên cũng rõ ràng. Điều quan trọng là phải cùng thực hiện đúng quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền lợi hợp pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.