(HNM) - Nghị định số 16/2015/CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, đồng thời giảm tình trạng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước tại một số đơn vị.
Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định, việc thực hiện quy chế tự chủ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn do tâm lý ngại đổi mới tại một số đơn vị. Tuy nhiên, khi áp dụng cơ chế mới, NSNN vẫn ưu tiên hàng đầu cho y tế, giáo dục, bảo đảm người dân được tiếp cận với những dịch vụ sự nghiệp công cơ bản.
- Tăng cường tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công cũng đồng nghĩa với việc giảm sự phụ thuộc vào NSNN và tác động sâu rộng tới đại đa số người dân. Ông đánh giá thế nào về bước đột phá này?
- Thách thức lớn nhất khi thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công là nhận thức của chính các đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi, dịch vụ sự nghiệp công là lĩnh vực rất nhạy cảm, liên quan đến đại đa số người dân trong xã hội và chắc chắn đòi hỏi từ phía người dân, xã hội sẽ rất lớn. Các đơn vị sự nghiệp nếu không muốn đổi mới, mà cứ ỷ lại, trông chờ vào NSNN thì cũng không thể đổi mới được. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, nếu không đẩy các đơn vị sự nghiệp công ra để họ cạnh tranh mà cứ ôm vào để quản lý thì cũng không đổi mới được. Đặc biệt, nếu không được người dân ủng hộ, các đơn vị cũng không thể thay đổi được. Thêm vào đó, việc duy trì chất lượng, kiểm tra giám sát cũng không hề dễ dàng. Trước đây, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm: Các doanh nghiệp nhà nước khi được tự chủ toàn bộ, đã không báo cáo chất lượng, hoạt động, tài chính, khiến Nhà nước không quản lý được về chất lượng.
Ngân sách nhà nước vẫn luôn ưu tiên cho y tế, bảo đảm người dân được tiếp cận với những dịch vụ tốt nhất. Ảnh: Ngọc Châu |
- Một trong những băn khoăn của người dân là khi thực hiện tăng tính tự chủ theo Nghị định 16/CP, NSNN có còn chi cho hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công như giáo dục, y tế hay không, thưa ông?
- Đổi mới khu vực sự nghiệp công không có nghĩa là Nhà nước giảm chi cho lĩnh vực xã hội, đặc biệt cho giáo dục, y tế, thậm chí Nhà nước còn phải đầu tư nhiều hơn cho hai lĩnh vực này. Có mấy lý do khiến cho phát triển các lĩnh vực xã hội, trong đó có giáo dục và y tế, vẫn sẽ là những ưu tiên hàng đầu khi bố trí NSNN.
Thứ nhất, việc bảo đảm cho người dân có khả năng tiếp cận được các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, được chia sẻ các kết quả từ sự phát triển kinh tế chung của cả nước luôn là mục tiêu hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Phát triển kinh tế đi đôi với từng bước giải quyết các vấn đề xã hội. Nhà nước cùng với nguồn lực của xã hội ngày càng phải chăm lo tốt hơn cho đời sống nhân dân. Chúng ta đã xác định, đây là một đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thứ hai, chúng ta đã xác định cùng với hạ tầng cơ sở vật chất thì chất lượng nguồn nhân lực đang là "điểm nghẽn" của tăng trưởng kinh tế cần phải xử lý. Mà để xử lý chất lượng nguồn nhân lực thì không có cách nào khác là phải chăm lo tốt hơn cho giáo dục và y tế. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã có các nghị quyết về ưu tiên bố trí nguồn cho lĩnh vực giáo dục và y tế. NSNN hằng năm phải bố trí 20% tổng chi cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo; đồng thời, bố trí tăng chi cho lĩnh vực y tế không thấp hơn tốc độ tăng chi NSNN nói chung. Đây vẫn sẽ là các định hướng quan trọng chi phối việc bố trí NSNN trong những năm tới. Các địa phương cũng tiếp tục được đầu tư cho các bậc tiểu học, trung học, trường mầm non, các thiết chế văn hóa cơ sở. Sự đầu tư này càng được tăng cường và có trọng điểm hơn trong bối cảnh cả nước đang thực hiện để đạt chuẩn nông thôn mới về y tế, giáo dục, văn hóa ở các xã, các thôn, bản.
Đối với việc chi thường xuyên, một mặt Nhà nước sẽ chuyển đổi dần phương thức chi từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công sang phần kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng. Ví dụ như trong lĩnh vực y tế, hiện nay có 75-77% đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được Nhà nước mua cho toàn bộ hoặc hỗ trợ một phần để mua BHYT. Khi điều chỉnh viện phí lên thì rõ ràng, chi trả từ quỹ BHYT phải tăng lên, từ đó dẫn tới việc phải tăng mức đóng cho Quỹ. Mức tăng ấy một phần do Nhà nước gánh chịu...
Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh giá, phí sẽ giúp các đơn vị sự nghiệp công hạch toán đầy đủ, có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển nâng cao được số lượng, nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công. Song, quá trình đó không đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ giảm chi từ NSNN cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, mà chỉ là sự chuyển đổi từ chi trực tiếp cho đối tượng này sang các đối tượng khác. Nguồn lực Nhà nước dành cho các khu vực xã hội, đặc biệt là đối với giáo dục, y tế vẫn tiếp tục nằm trong diện ưu tiên của NSNN.
- Lợi ích từ quy chế tự chủ đã rõ ràng, song việc giảm dần sự phụ thuộc vào "bầu sữa" NSNN sẽ là một thách thức lớn. Vậy, khó khăn này sẽ được khắc phục ra sao?
- Các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sự nghiệp công chính là người đề ra các phương án, hướng đi sao cho đơn vị mình phát triển. Điều này đòi hỏi họ phải nhận thức rõ chủ trương, nắm chắc thực tế. Từ Nghị định 16/CP, các bộ phải xây dựng các nghị định chuyên ngành của từng lĩnh vực, đồng thời họ phải cùng các địa phương phân loại, xây dựng những tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, xây dựng cơ chế báo cáo, cơ chế kiểm tra, giám sát…
Bản thân lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công, người lao động trong đơn vị cũng phải thấy rõ chủ trương, yêu cầu của quá trình đổi mới, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, hướng đi cho mình. Trong quá trình này, đòi hỏi phải có sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm và sáng tạo. Về phía Nhà nước, cần tiếp tục phân loại, phân nhóm đối tượng, tăng mức hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho các đối tượng thuộc diện chính sách, bảo đảm mọi người dân đều có khả năng tiếp cận các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.