Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền được học tập của học sinh

Thống Nhất| 15/07/2014 05:59

(HNM) - Thời điểm này, các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố đang gấp rút hoàn thành công tác nhận hồ sơ của HS trúng tuyển vào lớp 10 THPT, năm học 2014-2015.


Năm học 2014-2015, Hà Nội có hơn 72 nghìn HS tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Theo chỉ tiêu đã được phê duyệt, khoảng 70% số này sẽ được tuyển vào các trường THPT công lập, số còn lại sẽ theo học ở các loại hình trường khác như trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp chuyên nghiệp… Tuy nhiên, ở mỗi địa bàn, số lượng HS được tuyển vào các loại hình trường không đều nhau, nhất là ở khối trường THPT công lập.

Quy trình tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014-2015 được triển khai chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng đầu vào. Ảnh: Như Ý


Để bảo đảm quyền lợi học tập của mọi HS, tạo điều kiện cho HS vùng khó khăn yên tâm đến trường, nhiều năm nay, tỷ lệ HS được tuyển vào các trường THPT công lập ở địa bàn khó khăn luôn cao hơn các khu vực khác là trên 10%. Cách thức này còn nhằm thúc đẩy sự phát triển đa dạng của các loại hình trường, trong đó có việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi HS theo năng lực và hoàn cảnh thực tế. Trong những năm gần đây, mạng lưới trường THPT của Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ với hơn 200 trường, một nửa trong số này là trường ngoài công lập, không ít trường đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều thế hệ HS.

"Đầu vào" của từng trường THPT công lập đều được Sở GD-ĐT xét duyệt theo quy trình chặt chẽ với yêu cầu đã nhận HS trúng tuyển theo nguyện vọng 1 (NV) thì không được nhận NV2. Căn cứ để xác định điểm chuẩn là chỉ tiêu được giao; danh sách điểm xét tuyển theo NV1, NV2. Các trường THPT công lập trong cùng khu vực phải tổ chức họp cùng nhau để dự kiến điểm chuẩn của từng trường trước khi họp duyệt điểm chuẩn với Sở GD-ĐT. Trước khi tính số HS có NV2, ban giám hiệu các trường được yêu cầu phải chú ý đến thực tế về điều kiện đi lại của HS, nếu HS ở quá xa trường và ở khu vực đó đã có các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên thì phải điều chỉnh số HS tuyển theo NV2 ở mức khoảng từ 60% đến 80%.

Đây là năm học đầu tiên Sở GD-ĐT áp dụng bộ tiêu chuẩn về điều kiện bảo đảm chất lượng, gồm 5 điều kiện bắt buộc là: Bộ máy, cơ sở vật chất, tài chính, chuyên môn và tuyển sinh đối với các trường ngoài công lập trong tuyển sinh, tránh tình trạng cứ giăng biển trường là tuyển sinh hoặc chỉ tập trung tuyển được nhiều HS mà không quan tâm, đầu tư cho các điều kiện dạy và học để có chất lượng giáo dục thực chất. Tên của 7 trường ngoài công lập không đủ điều kiện tuyển sinh đã được công bố rộng rãi từ cuối năm học trước, tránh gây thiệt thòi cho HS.

- Trong trường hợp hạ điểm chuẩn, các trường THPT phải niêm yết công khai số lượng HS đã tuyển, số còn thiếu so với chỉ tiêu, điểm chuẩn mới và thời hạn nhận hồ sơ. Khi hạ điểm chuẩn, nhà trường chỉ nhận HS có NV1, không nhận HS có NV2 vào trường.
- HS đã trúng tuyển NV1, NV2 không được xét tuyển NV3.

Còn nhiều cơ hội cho HS

Thời gian nhận hồ sơ HS trúng tuyển vào các trường THPT công lập bắt đầu từ ngày 13 đến hết ngày 15-7. Sau thời hạn này, nếu trường THPT nào chưa tuyển đủ so với chỉ tiêu được giao sẽ được tuyển bổ sung trong hai ngày 17 và 18-7. Sở GD-ĐT sẽ duyệt điểm chuẩn (đợt 2) cho từng trường. Thực tế triển khai công tác tuyển sinh những năm qua cho thấy, có những HS có điểm xét tuyển cao nhưng lại không trúng tuyển vào trường THPT nào, phần lớn là do cách lựa chọn NV chưa phù hợp.

Để tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho những HS thuộc diện này, Sở GD-ĐT cho phép các em được đăng ký NV3. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT chỉ cho phép một số trường THPT được tuyển sinh HS đăng ký NV3. Việc quyết định có cho phép tuyển sinh NV3 hay không dựa trên thực tế của trường về điều kiện và quy mô tuyển sinh, nhằm bảo đảm sự phát triển đồng đều về quy mô, mạng lưới của các trường học trên địa bàn và bảo đảm quyền lợi học tập cho mọi HS. Điểm khác biệt năm nay so với mọi năm là địa bàn tuyển sinh của các trường được phép tuyển sinh HS theo NV3 chỉ được giới hạn ở một mức độ nhất định (gồm các địa bàn lân cận), chứ không phải được tuyển tràn tuyến, tức là được tuyển HS trên toàn thành phố.

Nếu không đủ điều kiện theo học các trường THPT công lập và ngoài công lập, HS tốt nghiệp THCS trên địa bàn thành phố còn nhiều lựa chọn khác. Tùy theo khả năng, nguyện vọng và điều kiện thực tế của bản thân, các em có thể tham gia dự tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc vào lớp 10 học chương trình THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Điều kiện dự tuyển tại các trung tâm giáo dục thường xuyên không khắt khe như với các trường THPT (không cần phải có hộ khẩu Hà Nội, không nhất thiết phải tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT do Sở GD-ĐT tổ chức). Hình thức tuyển sinh vào học lớp 10 THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên là xét tuyển theo kết quả học tập, rèn luyện của HS ở cấp THCS. Song, quyền lợi của HS theo học lớp 10 chương trình THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên không có gì khác so với HS học tại các trường THPT, từ chương trình, sách giáo khoa, cách đánh giá, xếp loại… Khi tốt nghiệp, HS được cấp bằng tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT và tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ như với những HS bình thường. Như vậy, HS tốt nghiệp THCS có thể yên tâm và tự tin lựa chọn những ngả đường phù hợp với nguyện vọng và hoàn cảnh thực tế của bản thân để học tập có chất lượng tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền được học tập của học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.