Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền của người cao tuổi

Nguyễn Linh| 01/10/2011 07:28

Từ ngày bước chân vào ngôi nhà của Công ty CP Quốc tế Nhân Ái (Tây Hồ, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Hòa (72 tuổi) vui khỏe hẳn ra.

Sống với những người cùng cảnh, được chăm sóc chu đáo, tận tình, bảo đảm dinh dưỡng, phù hợp sức khỏe, thường xuyên được kiểm tra sức khỏe, tham dự các hoạt động vui chơi, giải trí, bà thấy mình thêm yêu đời. Đón đầu xu thế phát triển mới, Công ty CP Quốc tế Nhân Ái đã tiên phong trong xây dựng hệ thống dịch vụ phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người cao tuổi.


Kiểm tra sức khỏe cho người già tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm).    Ảnh: Nhật Nam


Theo điều tra năm 2010, Hà Nội có hơn 635.000 người cao tuổi (NCT), chiếm 9,78% dân số. Với tốc độ gia tăng dân số như của năm 2010, Hà Nội đã chính thức bước vào "thời kỳ già hóa dân số" ngay từ năm 2011 (có 10% trở lên dân số là NCT). Cùng với đó, mô hình đại gia đình, nhiều thế hệ cùng chung sống đang có xu hướng giảm đi, được thay bằng các gia đình chỉ có 2 vợ chồng già hoặc gia đình NCT đơn thân. Trước đây, 80% NCT sống với con cháu, đến năm 2010, số này chỉ có 60%. Cùng với sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội, biến đổi trong cơ cấu gia đình, đời sống đã tạo ra nhu cầu chăm sóc NCT ngoài gia đình, có tính cộng đồng cao. Đến nay, Hà Nội đã có gần 1.500 người có nhu cầu vào sống tại các trung tâm chăm sóc NCT theo phương thức tự nguyện đóng kinh phí, 77 nghìn NCT có nhu cầu hoạt động văn hóa, TDTT, gần 165 nghìn NCT có nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại nhà, gần 36 nghìn NCT có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế...

Với tiềm năng quý giá về kinh nghiệm, kiến thức văn hóa, xã hội, KHKT… NCT là nhân tố quan trọng trong sự phát triển. Tính đến nay, Hà Nội có gần 96 nghìn NCT trực tiếp làm kinh tế, 1.440 NCT là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp. Trong đó, 9.780 người được suy tôn là nhà kinh tế giỏi, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Ở cấp chính quyền cơ sở, Hà Nội có hơn 60 nghìn NCT tham gia trên các cương vị bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng thôn, chủ tịch MTTQ, làm công tác đoàn thể, hòa giải, khuyến học, thanh tra nhân dân… NCT đã góp phần to lớn giữ gìn ANTT, thúc đẩy quá trình thực hiện quy chế dân chủ. Tại các gia đình, NCT đã và đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con cháu.

Trong kế hoạch chăm sóc, phát huy vai trò NCT của TP Hà Nội giai đoạn 2011-2020, TP nhấn mạnh mục tiêu: Tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng sống NCT, đặc biệt quan tâm NCT già yếu cô đơn, khuyết tật, hộ nghèo; nuôi dưỡng, chăm sóc 100% NCT già yếu cô đơn, không tự lo được cuộc sống, trợ cấp hằng tháng cho 100% NCT từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp xã hội. Trong đó, nội dung quan trọng là phát huy vai trò và kinh nghiệm NCT trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo điều kiện để NCT tham gia có hiệu quả các hoạt động phù hợp nhu cầu, khả năng.

Bên cạnh sự cố gắng của NCT, trong điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn, 70% NCT Việt Nam chưa có tích lũy vật chất chuẩn bị cho giai đoạn xế bóng của cuộc đời, vấn đề NCT đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Theo Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Đàm Hữu Đắc: Bên cạnh sự cố gắng của Nhà nước thể hiện trong dự thảo Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Trong đó, một trong những giải pháp hiệu quả nhất là đẩy mạnh sản xuất, tăng gia, nâng cao thu nhập, tạo tích lũy; song hành với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, các đoàn thể, gia đình, dòng họ tích cực đóng góp, xây dựng quỹ chăm sóc, hỗ trợ NCT. Ở nông thôn, các gia đình, dòng họ cần tích cực đẩy mạnh tham gia bảo hiểm (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm xã hội tự nguyện) nhằm bảo đảm NCT có cuộc sống ổn định. Từ đó, tạo điều kiện cho NCT phát huy vai trò, vị trí trong gia đình, cộng đồng, xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền của người cao tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.