Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền công dân và doanh nghiệp trên không gian mạng

Tiến Thành - Việt Nga| 13/01/2019 06:45

(HNM) - Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) khẳng định, Luật An ninh mạng bảo đảm quyền công dân và doanh nghiệp trên không gian mạng.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh.


Phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế

- Thiếu tướng có thể cho biết quá trình xây dựng Luật An ninh mạng diễn ra như thế nào?

- Thực hiện nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã tập trung phối hợp cùng các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Luật An ninh mạng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Dự thảo Luật An ninh mạng được chuẩn bị công phu, với sự đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lớn như Google, Facebook, Amazon, Apple…, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn trong nước và nhân dân.

Tháng 6-2018, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng với 423 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 86,86%. Luật gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

- Thưa Thiếu tướng, sự ra đời của Luật An ninh mạng có những tác động thế nào đến công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội?

- Sự ra đời của Luật An ninh mạng đã đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác an ninh mạng, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng. Luật cũng bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể:

Thứ nhất, luật có ý nghĩa căn bản là tạo hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng. An ninh quốc gia được bảo đảm, xã hội được bình yên, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân được bảo vệ, khi đó kinh tế - xã hội sẽ phát triển.

Thứ hai, luật nâng cao tiềm lực quốc gia về an ninh mạng khi hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được bảo vệ tương xứng, cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia được xác định. Nhà nước có chính sách về an ninh mạng, ưu tiên nâng cao năng lực, tiềm lực quốc gia, chú trọng nghiên cứu, phát triển, từng bước tạo sự độc lập về công nghệ, hạn chế sự phụ thuộc vào thiết bị công nghệ thông tin có nguồn gốc nước ngoài, sớm hình thành nền công nghiệp an ninh mạng trong nước.

Thứ ba, luật tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chủ động phòng ngừa, hạn chế hậu quả, phát hiện và cảnh báo sớm hành vi vi phạm, có chế tài xử lý những tồn tại về pháp luật trước đây chưa giải quyết được, góp phần bảo vệ sự bình yên của cuộc sống người dân.

Thứ tư, luật đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh thông tin, an ninh mạng tại các bộ, ban, ngành, địa phương. Với các quy định trong luật, công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng đã được xác định rõ ràng, phân công trách nhiệm cụ thể, hạn chế sự trùng lặp, chồng chéo, tạo hiệu quả khi triển khai thực hiện.

- Ngoài Việt Nam, có những quốc gia nào đã ban hành các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc bảo vệ an ninh trên không gian mạng, thưa Thiếu tướng?

- Theo công bố của Liên hợp quốc, hiện đã có 138 quốc gia ban hành Luật An ninh mạng với nhiều tên gọi khác nhau như Đạo luật cơ bản về an ninh mạng của Nhật Bản; Luật An ninh mạng của Trung Quốc; Luật An ninh mạng của Cộng hòa Séc; Dự luật phòng, chống khủng bố mạng quốc gia của Hàn Quốc…

Riêng Mỹ, ngoài việc ban hành các đạo luật chung, nước này đã ban hành tới 6 đạo luật liên quan đến các vấn đề về an ninh mạng. Tại Liên minh châu Âu, năm 2015, Hội đồng và Nghị viện châu Âu đạt được sự thống nhất về các biện pháp thúc đẩy an ninh mạng tổng thể trong nội khối tại “Chỉ thị về an ninh mạng và an ninh thông tin” nhằm tăng cường các khả năng an ninh mạng và sự hợp tác của các quốc gia thành viên trong lĩnh vực an ninh mạng.

Gần đây nhất, ngày 6-12-2018, Australia đã ban hành Luật về những sửa đổi, bổ sung trong Luật Viễn thông và trong các luật khác có liên quan, trong đó có điều khoản buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước và quốc tế, các công ty sản xuất thiết bị viễn thông phải gỡ bỏ các biện pháp bảo vệ điện tử và hỗ trợ các cơ quan chức năng Australia tiếp cận thiết bị hoặc dịch vụ trong diện nghi vấn; phải giải mã các thông tin đã được mã hóa để cơ quan chức năng Australia tiếp cận; giữ bí mật về hoạt động tiếp cận, thu thập thông tin của cơ quan chức năng...

Không được xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác

- Thời gian qua, có ý kiến lo ngại Luật An ninh mạng ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dân. Quan điểm của Thiếu tướng về vấn đề này ra sao?

- Luật An ninh mạng ra đời là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức trên không gian mạng. Luật không ảnh hưởng tới quyền tự do ngôn luận của người dân, hoàn toàn không có điều khoản nào cản trở tự do ngôn luận. Có thể nói, chưa luật nào đưa ra nhiều quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng như Luật An ninh mạng và chưa bao giờ quyền trẻ em trên không gian mạng lại được bảo vệ như vậy.

Song chúng tôi cũng khẳng định rằng, những cá nhân đưa thông tin sai trái, bịa đặt, xúc phạm nhân phẩm… (vi phạm quy định của pháp luật) thì tùy tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý. Ngoài ra, những thông tin xúc phạm dân tộc, chủ quyền, tôn giáo, kỳ thị giới trên mạng… cũng sẽ bị xử lý.

Hiến pháp quy định quyền con người, quyền công dân có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Tôi cho rằng ở đây phải có sự lựa chọn, giữa lợi ích an ninh quốc gia, lợi ích của cộng đồng và lợi ích của chính mình, công dân phải có sự cân nhắc cẩn thận trước khi phát ngôn, đăng tải thông tin trên không gian mạng sao cho không xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

- Luật An ninh mạng sẽ ảnh hưởng gì tới các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam, thưa Thiếu tướng?

- Trước hết phải khẳng định, thông tin người dùng, thông tin doanh nghiệp là tài sản của cá nhân, doanh nghiệp và được Nhà nước bảo vệ. Hiến pháp bảo vệ quyền nhân thân, quyền tài sản nên thông tin phải được lưu trữ tại Việt Nam. Như quy định về bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu đã quy định, dữ liệu cá nhân của công dân châu Âu chỉ được lưu trữ tại châu Âu hoặc các quốc gia có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân tương đương hoặc cao hơn Liên minh châu Âu.

Thông tin của người dùng hiện có giá trị thương mại rất lớn. Các quốc gia trên thế giới đều coi trọng và bảo vệ chặt chẽ vấn đề này, vì đây là tài sản vô giá trong tương lai. Nếu chúng ta không quản lý được lĩnh vực này thì về sau quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có thể bị xâm hại, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

Về quy định đặt máy chủ, thực tế chúng tôi thấy những doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook… đều đã thuê máy chủ của các doanh nghiệp Việt Nam hoặc đặt máy chủ ở các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, vấn đề quan trọng là chủ quyền dữ liệu, nước ta phải bảo vệ được dữ liệu của công dân ta, hạn chế tình trạng sử dụng dữ liệu của công dân vào mục đích vi phạm pháp luật, mua bán, trao đổi với công ty thứ ba hoặc bị các đối tượng xấu như khủng bố, lừa đảo nắm được thông tin…

- Có ý kiến cho rằng quy định của Luật An ninh mạng gây ảnh hưởng đến bí mật của các doanh nghiệp. Điều đó có đúng không, thưa Thiếu tướng?

- Luật An ninh mạng không gây ảnh hưởng gì tới bí mật doanh nghiệp. Điều 17 Luật An ninh mạng đã quy định rõ việc phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng.

Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về dữ liệu liên quan tới bí mật doanh nghiệp, quyền của các doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể yên tâm, không có chuyện cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam can thiệp vào các hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

- Hiện Bộ Công an đang triển khai thực hiện Luật An ninh mạng ra sao, thưa Thiếu tướng?

- Mục tiêu quan trọng của Bộ Công an lúc này là tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng tới tất cả chủ thể có liên quan, từ các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và tất cả người dân tham gia hoạt động trên không gian mạng. Đồng thời, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, các văn bản nội dung, biểu mẫu hành chính cần sử dụng để luật có hiệu quả cao trong thực tiễn.

- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền công dân và doanh nghiệp trên không gian mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.