(HNM) - Chiều 13-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.
Nhất trí với nhiều nội dung của các dự thảo luật về thuế, song các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc về một số chính sách như: Vấn đề xóa nợ với doanh nghiệp nhà nước (DNNN); giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xe ô tô; về tính tiền chậm nộp thuế…
Không công bằng giữa các thành phần kinh tế
Trong Luật Quản lý thuế, có quy định vấn đề xóa nợ thuế cho các DNNN (tại khoản 2) thuộc danh sách cổ phần hóa, rao bán, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa (CPH) DNNN. Ngay trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cũng có hai luồng ý kiến trái chiều. Các ĐB Danh Út (Đoàn Kiên Giang), Đặng Thế Vinh (Đoàn An Giang), Trương Văn Vở (Đoàn Đồng Nai), Phạm Văn Quý (Đoàn Nghệ An), Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Đoàn Hà Nội) đều bày tỏ quan điểm không tán thành với quy định này. Các ĐB kiến nghị Chính phủ phải làm rõ có bao nhiêu DNNN thuộc đối tượng xóa nợ thuế? Tổng số thuế đề nghị xóa là bao nhiêu?
Theo các ĐB, trước hết, nếu việc xóa nợ được áp dụng, có thể khiến quá trình CPH của các DNNN thuận lợi hơn, song sẽ làm cho việc xác định giá trị DN không chính xác, gây thiệt hại cho nhà đầu tư hoặc người tiếp quản. Bên cạnh đó, nếu quy định như dự thảo được áp dụng, sẽ tạo cơ hội cho các DNNN trong danh sách sắp xếp lại cố tình trì hoãn, hoặc không kê khai số tiền nợ thuế trong giá trị của DN, tạo tâm lý trông chờ nhằm hưởng chính sách xóa nợ. Theo ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Đoàn Hà Nội) thì năm 2013 có tới 69% DN kinh doanh không có lãi để nộp thuế và nhiều DN hoạt động theo đúng cơ chế thị trường đã phải tự động rời bỏ thị trường. Vì vậy, nếu các DNNN không còn đủ khả năng tồn tại, kinh doanh thua lỗ và thâm hụt vào vốn của Nhà nước thì khi CPH cần phải được xác định đúng giá trị thật. Còn lại, có thể áp dụng luật phá sản DN để giải quyết mà không cần áp dụng chính sách xóa nợ thuế. Đó cũng là cách áp dụng để tạo sự công bằng với các thành phần kinh tế khác trong việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Góp ý về quy định này, một số ĐB kiến nghị, QH không đưa việc xóa nợ thuế vào Luật Quản lý thuế (sửa đổi) để không tạo thành một chính sách thường xuyên. Vấn đề xóa nợ thuế cho DNNN nếu có chỉ nên bổ sung hoặc đưa vào Nghị quyết để QH cho ý kiến.
Cũng liên quan đến vấn đề xóa nợ thuế, nhiều ý kiến không đồng tình với quy định các DNNN đã CPH nhưng khi CPH không xác định số nợ thuế trong giá trị của DN, pháp nhân mới sẽ không phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ đối với khoản nợ thuế. Theo các ĐB, theo luật, pháp nhân mới (DN mới) đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác. Có ý kiến đề nghị ban soạn thảo làm rõ trách nhiệm của "cơ quan có thẩm quyền trong việc" chưa xác định số nợ thuế khi xác định giá trị DN để CPH, vì theo quy định các DN đều phải kê khai thuế hằng tháng. Trong đó, khi thực hiện CPH DNNN, theo quy trình phải có xác nhận nghĩa vụ thuế của cơ quan thuế.
Băn khoăn việc giảm thuế TTĐB với ô tô
Về phương án giảm thuế TTĐB với xe ô tô, đặc biệt là ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống cũng được nhiều ĐBQH đề cập. Đáng chú ý là ý kiến của ĐB Hồ Thị Thủy (Đoàn Vĩnh Phúc) và Lê Văn Lai (Đoàn Quảng Nam). Đây cũng là hai địa phương có các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô lớn đóng trên địa bàn, đóng góp ngân sách lớn và tạo việc làm cho địa phương. Theo ĐB Hồ Thị Thủy, việc giảm thuế nhập khẩu (NK) xe nguyên chiếc từ ASEAN từ 50% (hiện nay) xuống 0% (năm 2018) tương đương với giảm trên 30% giá xe NK là có lợi cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp thương mại. Song, nếu thuế TTĐB cũng giảm cùng lúc có thể gây ra một số tác động ngược.
Đối với DN sản xuất trong nước (vốn có chi phí sản xuất cao hơn so với xe NK đến 20%), việc giảm thuế TTĐB được áp dụng chung cho cả xe NK và xe sản xuất trong nước thì xe NK có thể được hưởng lợi kép từ việc vừa được giảm thuế NK theo lộ trình, vừa được giảm thuế TTĐB sẽ khiến DN sản xuất trong nước gặp khó khăn, dẫn tới ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Còn với Nhà nước, phương án giảm thuế suất đối với các dòng xe dung tích nhỏ đồng thời tăng thuế suất với các dòng xe dung tích lớn sẽ ảnh hưởng bất lợi đến thu ngân sách. Vì dòng xe lớn bị tăng thuế suất chỉ chiếm dưới 5%, còn các dòng xe nhỏ được giảm thuế suất lại chiếm hơn 70% thị phần; hơn nữa, việc xe NK ồ ạt sẽ lập tức làm gia tăng thâm hụt thương mại, giảm thu ngân sách, đồng thời gây áp lực lên hạ tầng giao thông vốn đã quá tải.
Cùng quan điểm này, ĐB Lê Văn Lai cho rằng, việc giảm mạnh thuế TTĐB sẽ khiến DN sản xuất và DN công nghiệp phụ trợ trong nước gặp khó khăn, đồng thời khiến việc thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam mà Chính phủ phê duyệt thất bại. Do vậy, các ĐB đề nghị QH cần cân nhắc thời điểm và có tính toán hợp lý giảm thuế TTĐB với xe ô tô; giữ nguyên mức thuế như hiện hành hoặc chỉ giảm ở mức thấp để bảo đảm cân đối lợi ích giữa người tiêu dùng, DN sản xuất và Nhà nước.
Các ĐB Nguyễn Cao Phúc (Đoàn Quảng Ngãi), Đặng Thế Vinh (Đoàn Hậu Giang), Trương Văn Vở (Đoàn Đồng Nai) lại tán thành việc đánh thuế cao với các dòng xe có dung tích xi lanh lớn (trên 2.000cm3 đến 3.000cm3, trên 3.000cm3). Tuy nhiên, các ĐB cũng băn khoăn về một số vấn đề và đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá kỹ việc giảm sâu thuế TTĐB với các dòng xe có dung tích xi lanh từ 2.000cm3 trở xuống với hiện trạng hạ tầng giao thông trong nước, nguồn thu ngân sách nhà nước. ĐB Trần Du Lịch chất vấn, việc cắt giảm thuế có đồng bộ với đề án về phát triển ô tô trong nước hay không? Đồng thời, ĐB cho rằng cần đánh giá tác động của thuế TTĐB với mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô trong nước - khi mà sau 25 năm, đến nay, ô tô dưới 9 chỗ ngồi cơ bản không nội địa hóa.
Thực tế cho thấy, người dân trong nước đã và đang phải mua xe với mức giá cao hơn nhiều so với thế giới và khu vực do các dòng xe này phải gánh nhiều loại thuế cao. Cách áp dụng chính sách thuế này nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, dư luận cũng đã nhiều lần lên tiếng, ngành sản xuất ô tô trong nước thực chất vẫn chỉ là lắp ráp sau nhiều năm hưởng ưu đãi. Do vậy, đây sẽ là bài toán Quốc hội, Chính phủ cần tìm ra lời giải để bảo đảm hài hòa các mục tiêu trong giai đoạn nước ta ngày càng hội nhập.
ĐB Nguyễn Cao Phúc (Đoàn Quảng Ngãi): Tôi thống nhất việc điều chỉnh giảm mức phạt chậm nộp thuế (Luật Quản lý thuế). Tuy nhiên giảm từ mức 0,05%/ngày xuống còn 0,03%/ngày chưa phù hợp, vì mức phạt 0,03%/ngày tương đương với mức 10,95%/năm trong khi lãi suất ngân hàng năm 2015 ở mức thấp cũng trong khoảng từ 9% đến 10,5%/năm. Vì vậy, nếu điều chỉnh về mức 0,03%/ngày không đủ sức răn đe các DN chây ỳ. Vì vậy, nên quy định ở mức 0,04%/ngày cao hơn mức lãi suất ngân hàng để các DN sẽ so sánh thiệt hơn không chây ỳ, kịp thời huy động vào ngân sách nhà nước. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận): Về Luật Thuế xuất khẩu nhập khẩu, tôi nhất trí với việc nâng thẩm quyền ban hành biểu khung thuế xuất khẩu từ Ủy ban Thường vụ QH lên QH để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Đối với thẩm quyền ban hành các Biểu thuế xuất khẩu nhập khẩu cụ thể, dự thảo luật quy định giao Thủ tướng Chính phủ thay vì giao Bộ trưởng Bộ Tài chính như luật hiện hành là phù hợp. Như vậy sẽ tạo ra sự ổn định cao hơn của biểu thuế và phù hợp với xu hướng hội nhập khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do, đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tế và yêu cầu quản lý, phù hợp xu hướng phát triển. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.