(HNM) - Từ nay đến cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân sẽ tăng cao. Cùng với việc thúc đẩy sản xuất, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, hợp tác xã… thiết lập nhiều kênh phân phối, kết nối tiêu thụ nông sản. Việc này có nhiều lợi ích - không chỉ bảo đảm nguồn cung nông sản, góp phần bình ổn giá trên thị trường, mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân Thủ đô.
Chủ động nguồn nông sản cho thị trường
Ông Lê Văn Trẻo, xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) cho biết, để bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm, gia đình đã nhập lượng lớn vịt đẻ, dự kiến mỗi ngày bán ra thị trường hơn 20.000 quả trứng, cho thu nhập khá. Còn Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý thông tin, để bảo đảm nguồn hàng tăng từ 2 đến 3 lần so với những tháng trước, đơn vị đã chủ động liên kết sản xuất với một số hợp tác xã, hộ nông dân...
Cùng với sự chủ động sản xuất, liên kết của các hộ nông dân, hợp tác xã, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã sẵn sàng triển khai các kịch bản, giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu sản phẩm hoặc nghịch cảnh “được mùa, mất giá”. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, trong tháng 11-2021, huyện khai trương 2 điểm bán hàng để kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn… Dự kiến cuối năm, căn cứ theo diễn biến thực tế, huyện sẽ bố trí thêm nhiều điểm bán hàng.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cùng với việc chủ động đẩy mạnh sản xuất, gia tăng nguồn cung cho thị trường, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với ngành Công Thương và nhiều tỉnh, thành phố xây dựng phương án cung ứng nông sản cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, theo ông Chu Phú Mỹ, việc thiết lập các kênh phân phối nông sản còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Công tác phòng, chống dịch tại các chợ, trung tâm thương mại; việc bảo quản, vận chuyển nông sản giữa các tỉnh, thành phố với Hà Nội cũng cần có kịch bản cụ thể…
Thiết lập các điểm kết nối, tiêu thụ sản phẩm
Để giải "bài toán" nguồn cung và tiêu thụ, Hà Nội sẽ vận hành tối đa công suất của 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện các chuỗi này đang kiểm soát, cung ứng 1.379 loại sản phẩm tại 110 siêu thị, 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn... Mặt khác, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngành Nông nghiệp đã đôn đốc 835 doanh nghiệp sơ chế, chế biến tăng cường thu mua, dự trữ nguồn nguyên liệu (ít nhất bằng 3 lần bình thường); bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân...
Về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc tập trung đông người tại các điểm kinh doanh hàng hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Do đó, hàng hóa cho dịp cuối năm, Tết Nguyên đán sẽ được triển khai phân phối theo hướng đa kênh với sự tham gia của 35 doanh nghiệp tại 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu theo hình thức trực tuyến. Mặt khác, thành phố đã có phương án sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận, huyện làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa...
Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng thông tin, huyện đã xây dựng phương án kiểm soát chặt chẽ tại 24 chợ (trong đó có 2 chợ đầu mối), 2 siêu thị và 34 chuỗi cửa hàng Vinmart, 40 chuỗi cung ứng hàng hóa nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch và cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân trên địa bàn trong mọi tình huống. Huyện sẽ thiết lập các điểm bán hàng để tạo kênh phân phối nông sản cho nông dân và phục vụ người tiêu dùng.
Thực tế, để chủ động thích ứng, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng phương án bán hàng trong điều kiện dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường. Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Ubofood Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch cho biết, công ty đã thiết lập các kênh bán hàng trực tuyến; khởi tạo app mua sắm trực tuyến và đang có gần 50.000 khách hàng tương tác, đặt hàng. Hiện công ty đang tiêu thụ hơn 50 loại nông sản của Hà Nội trên thị trường Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác. Công ty có hệ thống cửa hàng bán các sản phẩm nông nghiệp qua mạng, với các hình thức đặt hàng trên website, fanpage Facebook, Zalo… Thời gian qua, lượng hàng hóa tiêu thụ qua kênh trực tuyến tăng tới 95%...
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương, các địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc thiết lập các kênh phân phối, hỗ trợ nguồn hàng tại các điểm bán, Hà Nội sẽ không chỉ bảo đảm nguồn cung nông sản, góp phần bình ổn giá trên thị trường, mà còn mang lại thu nhập ổn định cho nông dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.