Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định

Thanh Hải| 25/01/2022 06:14

(HNM) - Năm 2022, ngành Điện đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19, tình hình thủy văn diễn biến bất thường... Tuy nhiên, với nhiều giải pháp được triển khai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết tâm bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân.

Công nhân truyền tải điện kiểm tra hệ thống đường dây, bảo đảm dòng điện duy trì thông suốt, ổn định. Ảnh: Trung Hiếu

- Xin ông chia sẻ kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2021, năm mà ngành Điện chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19?

- Năm 2021, việc vận hành hệ thống điện quốc gia biến động lớn khi nhu cầu điện giảm thấp do giãn cách xã hội kéo dài, nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Cùng với đó, thủy văn diễn biến bất thường và khó dự báo; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao dẫn đến tình trạng thừa nguồn ở khu vực miền Nam nhưng lại thiếu điện cục bộ ở một số nơi thuộc miền Bắc. Đây là khó khăn, thách thức lớn với Tập đoàn khi phải bảo đảm cung ứng điện đáp ứng nhu cầu phát triển an toàn, ổn định.

Nhờ chủ động các giải pháp, năm 2021, mặc dù phụ tải thực tế thấp hơn nhiều so với dự báo nhưng Tập đoàn vẫn bảo đảm vận hành thị trường điện bán buôn cạnh tranh liên tục, ổn định. Hiện tại, có 104 nhà máy điện tham gia trực tiếp trong thị trường điện với tổng công suất 27.957MW, chiếm 36,5% tổng công suất toàn hệ thống. Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620MW, tăng gần 7.500MW so với năm 2020, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW (tăng 3.420MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27%. Điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 225,3 tỷ kWh, tăng 3,85% so với năm 2020.

- Còn trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng thì sao, thưa ông?

- EVN cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn, giá vật tư, vật liệu tăng cao. Tuy nhiên, Tập đoàn và các đơn vị đã khởi công 3 dự án nguồn điện hơn 2.000MW; hoàn thành nhiều công trình quan trọng. Về lưới điện, EVN đã khởi công 195 công trình và hoàn thành 176 công trình lưới điện 500/220/110kV.

Chúng tôi đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai thêm các phương thức thanh toán tiền điện mới qua QRCode, Mobile Money; tỷ lệ giao dịch theo phương thức điện tử toàn EVN đạt 97,89%, tăng 20,32% so với năm 2020; 99,66% các yêu cầu về dịch vụ điện được cung cấp qua nền tảng số.

- Việc bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trong năm 2022 như thế nào, thưa ông?

- Năm 2022, chúng tôi dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thách thức khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; nhu cầu điện tăng trưởng không cao trong khi nguồn năng lượng tái tạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài ra, giá nhiên, vật liệu biến động khó dự báo… Tuy nhiên, ngành Điện sẽ tập trung mọi nỗ lực bảo đảm cung ứng điện ổn định, an toàn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở dự báo phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Tập đoàn đã cân đối cung cầu với chỉ tiêu sản lượng điện thương phẩm là 242,35 tỷ kWh, tăng trưởng 7,6% so với năm 2021; kế hoạch vốn đầu tư toàn tập đoàn là 96.500 tỷ đồng. EVN đã đề ra 10 giải pháp cụ thể trong năm 2022, như vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân; bảo đảm tiến độ, chất lượng đầu tư các dự án nguồn và lưới điện; triển khai đồng bộ nhóm các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ…

EVN phấn đấu khởi công và hoàn thành phát điện thương mại các dự án điện mặt trời Phước Thái 2 (100MWp), Phước Thái 3 (50MWp); phấn đấu khởi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn IV (1.050MW). Đồng thời, tập trung thi công các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch I. Đối với các dự án lưới điện, EVN cũng đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 264 công trình, khởi công 233 công trình đường dây 110-500kV.

Bên cạnh đó, toàn Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng, thực hiện “một cửa liên thông” giữa điện lực và các cơ quan quản lý nhà nước; kết nối với các nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia qua Cổng dịch vụ công quốc gia để cắt giảm hồ sơ, thủ tục hành chính và tự động hóa quá trình cung cấp dịch vụ điện đến khách hàng.

- Để hoàn thành nhiệm vụ, EVN có kiến nghị gì, thưa ông?

- Chúng tôi mong muốn Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải cấp thiết vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh để EVN và các đơn vị có cơ sở triển khai.

Hằng năm, EVN và các đơn vị thành viên đầu tư mới khoảng 1.000 dự án nguồn và lưới điện. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai, EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục phân cấp thẩm định các bước thiết kế đối với dự án nhóm B, công trình cấp II trở xuống cho tập đoàn, tổng công ty thuộc tập đoàn…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.