(HNMO) - Thông tin về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng quy định mới về chính sách ưu tiên trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2023 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là với học sinh đang học lớp 12. Nhiều thí sinh lại hiểu nhầm rằng năm nay không còn chính sách ưu tiên. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là điểm mới so với kỳ tuyển sinh năm 2022, đòi hỏi thí sinh hiểu rõ, nắm vững để tránh thiệt thòi, cũng như chủ động chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt trước khi bước vào kỳ tuyển sinh năm nay.
Thí sinh đạt điểm tuyệt đối không được hưởng điểm ưu tiên
Điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, áp dụng từ kỳ năm 2023 là quy định về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. Có hai nội dung mà thí sinh cần lưu ý, gồm ưu tiên theo khu vực và ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên.
Thứ nhất, đối với ưu tiên theo khu vực. Mức điểm ưu tiên áp dụng theo 4 khu vực, trong đó mức điểm ưu tiên cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 - nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm và khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.
Khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học trung học phổ thông (hoặc trung cấp). Nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì điểm ưu tiên được xác định theo khu vực của trường gần nhất mà thí sinh theo học sau cùng.
Thứ hai, chính sách ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang điểm 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng của thí sinh.
Với công thức này, thí sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng nếu thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên là 0,3 và đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.
Như vậy, trong kỳ tuyển sinh năm 2023, thí sinh đạt điểm tuyệt đối không được hưởng điểm ưu tiên, cũng sẽ không có thí sinh nào có mức điểm trên 30, vì khi thí sinh đạt 30 điểm/3 môn thì mức điểm ưu tiên bằng 0.
Bảo đảm công bằng hơn trong tuyển sinh
Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương giữ ổn định công tác tuyển sinh đại học năm 2023 như năm 2022, chỉ điều chỉnh chính sách ưu tiên nhận được sự đồng tình, ủng hộ. Em Trần Thị Hải Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) bày tỏ: “Gần hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc học tập trực tiếp bị gián đoạn, chúng em có nhiều thiệt thòi, vì vậy, việc giữ ổn định công tác tuyển sinh đại học năm nay là phù hợp và bảo đảm công bằng. Em cũng đã bớt đi nhiều lo lắng, yên tâm hơn để học tập, ôn luyện”.
Trong khi đó, em Nguyễn Hải Nam, học sinh Trường Trung học phổ thông Minh Quang (huyện Ba Vì) cho biết: “Em quan tâm đến quy định tính điểm ưu tiên được áp dụng từ mùa tuyển sinh năm nay vì thấy phù hợp và công bằng hơn. Quy định này tạo điều kiện cho thí sinh ở địa bàn khó khăn, miền núi được tiếp cận với giáo dục đại học, bảo đảm quyền lợi công bằng giữa nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc thay đổi cách tính điểm ưu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo dự lệnh từ quy chế tuyển sinh năm 2022. Thí sinh có sự chuẩn bị tốt hơn về tâm thế, các trường chủ động phương án tuyển sinh. Sự điều chỉnh này tạo sự công bằng về cơ hội cho thí sinh trong việc lựa chọn phương án học tập và lựa chọn trường phù hợp nhất.
Thông tin rõ hơn về sự điều chỉnh này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ đưa ra mức điều chỉnh giảm dần đều điểm ưu tiên khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm cho đến mức 30 điểm thì không cộng điểm ưu tiên. Điều chỉnh này không chỉ đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, mà với tất cả phương thức xét tuyển. Các trường khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh để xét tuyển cần quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên, tổng số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hằng năm. Việc áp dụng chính sách ưu tiên nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục, đào tạo bậc cao đối với thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế, song cũng cần bảo đảm công bằng, tránh để sự hỗ trợ đó lại làm nhóm thí sinh khác bị bất lợi và trở thành yếu thế.
Lý giải thêm về sự điều chỉnh chính sách ưu tiên năm nay, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, phân tích dữ liệu điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong 3 năm gần đây cho thấy có sự bất hợp lý. Cụ thể là tỷ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn tới mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí có hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.
Thống kê cũng cho thấy, nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao, tỷ lệ thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên. Với thực tế nêu trên, nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi chính là nhóm ở khu vực 3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.