(HNM) - Chính sách ưu đãi người có công hiện nay được đánh giá là tương đối đầy đủ, hoàn thiện, vậy nhưng trong quá trình triển khai đã bộc lộ một số vấn đề bất cập.
Một số đối tượng chưa được thụ hưởng
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, chính sách ưu đãi đối với người có công đầu tiên ở nước ta là Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành, quy định về hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Từ năm 1947 đến nay, Nhà nước đã đề ra nhiều văn bản luật ưu đãi đối với người có công, trong đó nổi bật nhất là Pháp lệnh Ưu đãi người có công năm 1994. Việc triển khai Pháp lệnh đã góp phần ổn định, nâng cao mức sống cho người có công; động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công.
Tuy vậy, các chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công hiện hành vẫn bộc lộ một số bất cập, hạn chế như chưa có quy định chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, người bị bắt tù đày sau ngày 30-4-1975; vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác. Thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, trong khi thân nhân thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên còn sống đang được hưởng chế độ này…
Bên cạnh đó, các quy định về trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị xác nhận người có công có một số điểm không hợp lý. Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, nhiều người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến không giữ được giấy tờ gốc, trong khi đó giấy tờ gốc là một trong những điều kiện quan trọng để xem xét công nhận người có công.
“Quy định có phần chưa hợp lý này là một trong những nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng dù rất nỗ lực, nhưng hiện nay cả nước vẫn còn khoảng 30 nghìn trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng các chính sách, trong đó có gần 6 nghìn trường hợp chưa được xác nhận là liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh”, Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi cho hay.
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành cũng chỉ rõ, căn cứ điều kiện xác nhận thương binh, liệt sĩ theo các quy định hiện hành có một số điểm chưa phù hợp. Ví như, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công sửa đổi năm 2012 nêu rõ: Đối tượng được xem xét xác nhận thương binh, liệt sĩ khi “trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự”. Theo đó, trong khi làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ phải trực tiếp tham gia truy bắt, bắt giữ, ngăn chặn hành vi phạm tội đang xảy ra mà bị thương, hy sinh mới được xem xét xác nhận là thương binh, liệt sĩ. Trên thực tế, quá trình đấu tranh chống tội phạm phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nên chiếu theo quy định này, một số trường hợp bị thương hoặc hy sinh sẽ không được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công.
Sớm hoàn thiện chính sách
Để người có công được thụ hưởng các chính sách, chế độ ưu đãi đầy đủ, công bằng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc tổng kết, đánh giá toàn diện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công cần được triển khai sớm. Trên cơ sở kết quả đánh giá, các cơ quan chức năng nên xem xét, xây dựng và ban hành pháp lệnh mới thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công hiện hành.
Đồng quan điểm, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) Trần Quốc Dũng kiến nghị, Pháp lệnh Ưu đãi người có công thay thế nên điều chỉnh chế độ trợ cấp với nhóm đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; bổ sung chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động và một số đối tượng khác cho phù hợp. Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Người có công cho tương xứng với vị trí, vai trò của chính sách đặc biệt này trong hệ thống chính sách là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu.
Cùng với việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi mong muốn các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xác lập hồ sơ giải quyết chế độ ưu đãi người có công; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình giải quyết các chế độ ưu đãi; sớm giải quyết các hồ sơ tồn đọng… Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa hoạt động ưu đãi người có công, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, tạo thế “kiềng ba chân” giữa Nhà nước, đối tượng ưu đãi và cộng đồng cần được tính đến nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách; đồng thời tăng cường ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với người có công. Đây cũng là mong muốn của đại diện ngành LĐ-TB&XH nhiều tỉnh, thành phố.
Thực tế cho thấy, chính sách ưu đãi đối với người có công đã và đang bộc lộ những bất cập, hạn chế, cần sớm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tránh thiệt thòi cho các đối tượng được thụ hưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.