Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm cơ cấu và chất lượng đại biểu

Linh Nhi| 01/03/2011 07:19

(HNM) - Theo báo cáo, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của hệ thống MTTQ đã được tiến hành đúng thời hạn luật định.Nổi bật trong đợt hiệp thương này là nhiều nơi đã thỏa thuận dự kiến giới thiệu tỷ lệ người ứng cử trên số đại biểu được bầu ở mức gấp hai lần trở lên. Đây là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy sự cố gắng rất lớn của những người làm công tác Mặt trận, song bên cạnh đó, còn không ít băn khoăn...

Tại Hội nghị lần thứ 3 của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam vừa diễn ra trong hai ngày 27 và 28-2, một trong những vấn đề được các đại biểu đề cập nhiều là việc chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Trong đó, tiêu chuẩn lựa chọn đại biểu dân cử là trọng tâm và được đề cập tới nhiều nhất. Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho biết, tuy thời gian rất ngắn, vừa phải chuẩn bị điều kiện cần thiết để chuẩn bị hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử đại biểu HĐND ở từng cấp, lại vừa phải tập huấn, hướng dẫn cấp dưới, song MTTQ các tỉnh, thành phố đã hoàn thành công việc lớn đạt kết quả khả quan, nhiều nơi có số người ứng cử cao gấp đôi tổng số đại biểu được bầu. Điển hình như Hải Phòng, có 23 người ứng cử trên 9 đại biểu Quốc hội được bầu; Hà Tĩnh giới thiệu được 17 người ứng cử trên 7 đại biểu Quốc hội được bầu.

Trong số 500 đại biểu của Quốc hội khóa XIII, dự kiến số đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được bầu là 183 người, chiếm 36,6%, đại biểu các cơ quan, đơn vị, địa phương là 387 người, chiếm 63,4%. Cơ cấu cho đại biểu dân tộc thiểu số chiếm 18%, đại biểu nữ chiếm 30%, đại biểu trẻ dưới 40 tuổi chiếm 14%, đại biểu là người ngoài Đảng từ 10 đến 15%, đại biểu chuyên trách Quốc hội 165 người, chiếm 33%. Với cơ cấu như trên, nhiều ý kiến tại hội nghị tin tưởng con số trên có thể thỏa thuận và bảo đảm được. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định, tuy yêu cầu tỷ lệ nữ trong Quốc hội và HĐND là 30% đã đặt ra 2 nhiệm kỳ mà chưa đạt được, song kỳ này có thể đạt được. Theo bà Hòa, sẽ có giải pháp giúp các ứng cử viên về kỹ năng trình bày, vì tiêu chí nữ thường đi kèm với cơ cấu trẻ và ngoài Đảng, đây là lực lượng ít kinh nghiệm, chưa có kỹ năng trình bày nên rất khó được cử tri tín nhiệm. "Chúng tôi xác định sẽ giúp các ứng cử viên của mình và sẽ có đủ "nguồn" để giới thiệu bầu cử" - bà Hòa nhấn mạnh.

Vấn đề chất lượng đại biểu được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm. Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh thẳng thắn nói, điều cốt lõi làm nên sức sống của người đại biểu của dân là phải được dân tin yêu. "Trên thực tế, trong quá trình vận động bầu cử, tôi đã từng nghe nhiều ý kiến từ nhân dân, đại loại như, nhiều "ông" khi ứng cử nói hay lắm, nhưng khi đắc cử thì "đi đâu hết", không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Có ý kiến khác mạnh dạn nêu, có vẻ như chúng ta có tình trạng cử tri chuyên nghiệp, đại biểu nhân dân chuyên nghiệp - những người đó thực sự không phải đại biểu của dân". Những ý kiến nêu trên đã đặt ra câu hỏi, làm thế nào bảo đảm chất lượng đại biểu trước và sau bầu cử?

Chú trọng công tác tuyên truyền
Với vai trò quan trọng và nòng cốt trong tổ chức hiệp thương, cùng với việc ban hành và phổ biến các văn bản hướng dẫn hệ thống MTTQ các cấp tham gia công tác chuẩn bị bầu cử, Ban Thường trực TƯ MTTQ Việt Nam đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền với ba yêu cầu, quan trọng hàng đầu là làm cho người dân thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Động viên mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức tự giác tham gia bầu cử để lựa chọn những người tiêu biểu, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân.

Riêng đối với Hà Nội, nội dung tuyên truyền đã tập trung vào quán triệt mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử và làm rõ các văn bản hướng dẫn và công tác bảo đảm cho cuộc bầu cử thành công. Cùng với việc tuyên truyền, MTTQ thành phố đã tổ chức hiệp thương lần thứ nhất và đạt kết quả tốt, thống nhất cơ cấu 191 ứng cử viên, đây chính là cơ sở để các lần hiệp thương tiếp theo rút gọn danh sách còn 155 ứng viên ấn định.

Tuy đạt được kết quả bước đầu, song theo Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, hiện nay một số địa phương dự kiến giới thiệu số người ứng cử trên tổng số đại biểu được bầu còn thấp. Cụ thể như TP Cần Thơ dự kiến giới thiệu 11 người ứng cử trên tổng số 7 đại biểu Quốc hội được bầu (bằng 1,57 lần). Tỉnh Bắc Ninh dự kiến giới thiệu 9 người ứng cử trên tổng số 6 đại biểu Quốc hội được bầu (bằng 1,5 lần). Tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến giới thiệu 10 người ứng cử trên tổng số 7 đại biểu Quốc hội được bầu (bằng 1,43 lần)... Để công tác hiệp thương đạt hiệu quả trên cả hai mặt cơ cấu và chất lượng đại biểu, trong hai lần hiệp thương tới, các cấp MTTQ còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm cơ cấu và chất lượng đại biểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.