(HNM) - Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ở Việt Nam chỉ có gần 20% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Việt Nam đã có nhiều chính sách mang tính tích cực nhằm khuyến khích hỗ trợ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) và nuôi dưỡng trẻ nhỏ tối ưu. Tuy nhiên, từ công tác quản lý đến thực thi chính sách còn nhiều hạn chế, nhất là khối công nhân lao động (CNLĐ), khiến số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng vẫn nhiều (15,3% trẻ nhẹ cân; 25,9% trẻ bị thấp còi).
Chị Bùi Thị Liên, công nhân Công ty TNHH Toto Việt Nam có 3 con, nhỏ nhất hơn 3 tuổi và lớn nhất 6 tuổi. Chị cho biết, với cả 3 con, chị chỉ có thể cho bú nhiều nhất đến khi hơn 1 tuổi và cũng không thể cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Vì không đủ điều kiện chăm sóc, chị đã lần lượt gửi con về quê cho bố mẹ đẻ nuôi dưỡng từ khi các cháu được hơn 1 tuổi. Chị Lê Thị Thủy (21 tuổi, công nhân Công ty TNHH Chiyoda Intergre Việt Nam) hiện đang nuôi con nhỏ 9 tháng tuổi. Vì phải làm theo ca, nên khi cháu đủ 1 tuổi, dù không muốn, chị cũng phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm nuôi hộ. Vì hoàn cảnh mà các chị không thể cho con bú hoàn toàn sữa mẹ, nhưng trên thực tế điều đó sẽ được khắc phục nếu như tại nơi làm việc có lắp đặt các cabin cho lao động nữ vắt sữa, trữ sữa cho con bú bình trong khi mẹ làm việc. Đáng tiếc, rất ít doanh nghiệp quan tâm đến điều này, khiến nhiều bà mẹ mất sữa sớm, phải nuôi con bằng sữa bột. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thỏa thuận với nữ công nhân nuôi con dưới 1 tuổi để họ làm việc 8 giờ/ngày; chế độ nghỉ sớm 1 giờ/ngày cho con bú được tính vào giờ làm thêm. Đây là cản trở khiến thời gian bú mẹ của rất nhiều trẻ không được đủ 24 tháng như khuyến cáo của các chuyên gia. Thêm nữa, phần lớn nữ CNLĐ không được cung cấp đủ thông tin, dẫn tới nhận thức không đầy đủ. Nhiều bà mẹ vì thiếu hiểu biết nên đã cho con ăn dặm quá sớm (trước 3 tháng) hoặc quá muộn (sau 7 tháng), hay không đúng cách dẫn đến trẻ bị thiếu dinh dưỡng, rối loạn về tiêu hóa, suy dinh dưỡng và mắc bệnh tật. Đây là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ 15,3% trẻ nhẹ cân; 25,9% trẻ bị thấp còi.
NCBSM mang lại lợi ích cho gia đình và cả xã hội. Khoa học hiện đại đã chứng minh, việc trẻ được bú mẹ có nhiều lợi ích: Giảm tỷ lệ trẻ mắc bệnh béo phì, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường khi trưởng thành và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khi về già. NCBSM giúp nữ CNLĐ tận dụng được nguồn sữa quý giá của người mẹ, không phải mua sữa bột nuôi con, giúp trẻ khỏe mạnh, mẹ yên tâm làm việc. Chính vì vậy, nhiều cơ quan, đơn vị khuyến khích và tạo điều kiện cho lao động nữ có thể NCBSM, đặc biệt là cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú theo nhu cầu.
Nhận thức rõ ý nghĩa của việc NCBSM, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, từ nhiều năm nay, các cấp Công đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động NCBSM. Công đoàn đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế hỗ trợ lao động nữ NCBSM tại nơi làm việc, bảo đảm cho con bú ngay trong một giờ đầu tiên sau khi sinh, cho con bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng và cho con bú đủ 24 tháng. Dù vậy, kết quả chưa được như mong muốn nên rất cần có sự chung sức của các nhà quản lý, đoàn thể, doanh nghiệp... nhằm hỗ trợ các bà mẹ NCBSM và nuôi dưỡng trẻ nhỏ tối ưu, bảo đảm cho thế hệ tương lai khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.